03/07/2013 08:48 GMT+7

Cán bộ yếu kém không thể yên vị

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Khởi nguồn từ nghị quyết trung ương 4, chủ trương “đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm” sau khi tiến hành lần đầu tiên ở Quốc hội sẽ tiếp tục được thực hiện ở HĐND các cấp. Không dừng lại ở các cơ quan dân cử, theo tin từ Trung ương Đoàn thì Đoàn cũng đang chuẩn bị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định sắp tới sẽ lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng, từ Tổng bí thư trở xuống.

Thành công bước đầu ở Quốc hội sẽ tiếp thêm kinh nghiệm cho các đợt lấy phiếu tín nhiệm tới đây ở các cơ quan khác nhau. Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm ở HÐND các cấp có ý nghĩa quan trọng, vì đây là những cấp lãnh đạo có hoạt động hằng ngày trực tiếp với dân. Và trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền như ở nước ta, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Đảng càng có ý nghĩa quan trọng.

Trong một cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ sau khi nghị quyết trung ương 4 được ban hành, ông Trần Lưu Hải (phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương) cho biết quy định thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Ðảng, Nhà nước, đoàn thể có nhiều mục đích, trong đó tinh thần xuyên suốt là cán bộ không phải sẽ yên vị suốt cả nhiệm kỳ của mình, những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Thực tế đời sống chính trị nước ta cho thấy quan chức có vi phạm, có khuyết điểm hiếm khi chủ động từ chức nếu không có sức ép từ tổ chức, từ dư luận. Chính vì vậy tuy có nhiều kênh khác nhau để đánh giá cán bộ, nhưng riêng kênh lấy phiếu tín nhiệm hội đủ cả hai yếu tố từ tổ chức bằng quy định về hệ quả đối với người được đánh giá tín nhiệm thấp, cũng như từ dư luận khi tỉ lệ lấy phiếu được công khai, minh bạch như ở Quốc hội vừa qua. Vấn đề còn lại là bản lĩnh và trách nhiệm của người bỏ phiếu. Cho dù việc lấy phiếu tín nhiệm ở mỗi cấp, mỗi cơ quan như Đảng, Quốc hội, HĐND, đoàn thể sẽ có đặc thù, nhưng chắc rằng thật sự dân chủ, khách quan, thận trọng, công tâm và chính xác trong đánh giá tín nhiệm là yêu cầu đặt ra không riêng ở cấp nào và không riêng với cơ quan nào.

Nghị quyết trung ương 4 đã chỉ rõ bên cạnh những thành tựu, những kết quả đạt được, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau. Những bộn bề của đất nước hôm nay, trong đó có một số vấn đề bức xúc kéo dài đối với người dân, nếu qua kênh lấy phiếu tín nhiệm làm rõ được địa chỉ trách nhiệm thì cơ chế này sẽ động viên được những cán bộ có năng lực, đồng thời đưa những ai yếu kém, tham nhũng, lãng phí ra khỏi ghế lãnh đạo, quản lý.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên