Trong thời buổi “gạo châu củi quế”, thêm được đồng nào là quý đồng nấy, dẫu sao cũng hi vọng cuộc sống bớt phần chật vật hơn.
Chúng ta đang trải qua một thời điểm không mấy dễ chịu, kinh tế đất nước đứng trước nhiều vấn đề gay gắt, ngân sách eo hẹp, Chính phủ phải cố lắm mới có được vài chục ngàn tỉ đồng để chi cho tăng lương. Chia cho mấy triệu con người hưởng lương, khoản tiền này chắc hẳn chẳng nhiều gì, chưa thể làm thay đổi rõ nét bữa ăn hằng ngày vốn đã rất khiêm tốn.
Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy lương và giá thường rượt đuổi nhau. Lương tăng, giá lại vượt lên. Giá là cánh diều gặp gió luôn nhanh nhẹn bay bổng trên trời, lương chỉ là con rùa bò chậm chạp ở mặt đất. Rùa kêu: “Diều ơi đợi ta với”, nhưng chưa bao giờ diều thèm đoái hoài. Rốt cuộc phần tiền tăng thêm bỗng dưng biến mất, thậm chí đồng lương bị teo tóp lại. Người ăn lương chỉ còn biết thở dài, gài chặt hầu bao, quay ngoắt trước hàng loạt lời quảng cáo ngọt lịm của các doanh nghiệp đang khát khao tống khứ những món hàng nằm chật kho.
Lần tăng lương này chẳng biết giá có thành diều không. Nhưng những dự báo có thể nhận rõ là điện sẽ tăng, xăng thì giảm một tăng hai, học phí ở một số địa phương đang rục rịch trồi lên, tiền khám chữa bệnh cũng rủ nhau theo cùng. Biết rằng những chuyện đó là không thể dừng, vậy mà bao tử người ăn lương vẫn co thắt, mồ hôi lấm thấm mỗi khi toan tính chi tiêu cho bát cơm, manh áo ở đời.
Chia sẻ với Nhà nước phải tăng giá những khoản chẳng đặng đừng, nhưng bao nhiêu nỗi lo vẫn trải ra... Theo kinh nghiệm, những khoản tăng giá này dù muốn hay không cũng góp phần đẩy mọi thứ khác leo thang, cái khó lại dồn về, đổ hết lên người ăn lương “ba cọc, ba đồng”. Đúng là chưa kịp mừng đã cảm thấy lo.
Tăng lương là tăng thu nhập cho những người hưởng lương. Với tinh thần như vậy, Chính phủ cần điều hành sao đó cho nhịp nhàng, tránh xảy ra cú sốc, đảm bảo ổn định thị trường, khiến đồng lương nếu chưa thật sự tăng về chất thì cũng giữ nguyên được giá trị đang có, đừng để người ăn lương sống trong niềm vui theo kiểu lạc quan tếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận