Người mà hơn 30 năm trước đều đều lên trang nhứt 37 tờ báo Sài Gòn (tính đến tháng 10-1974) với hai chữ “trò Nuôi”, bên cạnh một “sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm” cùng vào tù ra khám với nhau, nay là tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, đã phải tạ lỗi bạn đọc bằng câu chuyện một bạn đọc chủ doanh nghiệp tư nhân quở “Bây giờ báo chí mấy anh ca ngợi Luật doanh nghiệp. Vậy chớ nhà báo các anh ở đâu trước khi có Luật doanh nghiệp?” và rồi ông cam kết đã hiểu trách nhiệm làm báo.
Tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật sau đó đăng bài “Nhà báo ở đây!” như một cam kết nữa với bạn đọc rằng làm báo là gắn bó với dân sinh, những gì lẽ ra dân chúng phải được hưởng và không phải “bị hưởng”.
Trong những ngày này, dấy lên tin tức về những cáo giác của một cựu nhân viên CIA và NSA về việc an ninh Mỹ do thám vi phạm dân chủ, cùng ước mơ của tờ Guardian sẽ nhận được một giải báo chí Pulitzer vì những đăng tải về vụ này, như Daniel Ellsberg và tờ New York Times cùng “hồ sơ Lầu Năm Góc” năm 1971.
Xin chúc mừng nếu tờ Guardian được là tờ báo Anh đầu tiên đoạt giải Pulitzer năm tới của làng báo Mỹ. Thế nhưng, cả lịch sử giải Pulitzer từ năm 1917 tới nay, số vụ kinh thiên động địa như vụ “hồ sơ Lầu Năm Góc” mới chỉ đếm được thêm có mỗi vụ “Watergate”, còn thì đều là những giải báo chí dành cho những đề tài rất đời thường, vị dân sinh.
Năm nay, giải Pulitzer thể loại “công vụ” tưởng thưởng cho loạt điều tra trên tờ Sentinel (Fort Lauderdale, Florida) về “những cảnh sát yêng hùng xa lộ” hết giờ công tác phóng xe như bay, coi thường sinh mạng người khác; về nhì là bài điều tra trên tờ California Watch (Berkeley, California) về việc cảnh sát cứ “bó tay” trước việc đánh đập bệnh nhân thiểu năng… Giải Pulitzer thể loại “điều tra” tưởng thưởng một bài điều tra của tờ New York Times về thói quen “lo lót” của siêu thị Wal-Mart ở Mexico nhằm thôn tính thị trường này. Về nhì là bài điều tra của tờ Tampa Bay Times về thói quen đánh đập trẻ em trong những nhóm tôn giáo “chui”… Tất cả các giải thưởng đều liên quan đến hai chữ dân sinh.
Cùng sống với cuộc sống của xã hội, từ công ăn, việc làm, cái ăn, cái mặc, viên thuốc, giường bệnh, lớp học… đến tiền thuế và phí phải đóng, thậm chí tờ vé số rách không được trả thưởng hay mấy tấn bạch tuộc sao lại bị ách đến hư thối hay những nhà vệ sinh sao lại “tô hô” không che chắn trong các trường học; báo trước những bất trắc có thể đến như việc vay nợ của Vinashin ngay từ tháng 4-2006 (“Mỗi năm Việt Nam sẽ phải trả nợ 2 tỉ USD”, TTCN 2-4-2006) hoặc đã xảy ra như vụ tràn dầu lên bờ biển Việt Nam từ dàn khoan Lưu Hoa (TTCN 31-3-2007), vụ Vedan…những nhà báo phải luôn nằm lòng: làm báo chính là để cho cuộc sống người dân bớt bất trắc, khúc khuỷu, gập ghềnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận