27/05/2013 08:30 GMT+7

"Đất lành chim đậu"

LÊ THANH TÂM
LÊ THANH TÂM

TT - Đứng trước áp lực dân số gia tăng ở các đô thị lớn, Quốc hội đang bàn thảo sửa đổi một số điều của Luật cư trú, trong đó có nội dung hướng tới siết chặt các điều kiện cho phép nhập hộ khẩu vào các TP trực thuộc trung ương như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM...

Thật ra, việc siết chặt nhập cư vào các đô thị lớn đã được thực hiện một cách cứng rắn trong những năm của thời bao cấp. Khi đó hộ khẩu là một thứ giấy phép đặc biệt quan trọng đối với một cá nhân. Không có hộ khẩu là đồng nghĩa với không có công ăn việc làm, không có sổ mua nhu yếu phẩm tối thiểu cho cuộc sống. Nói một cách khác, hộ khẩu đi liền với cơm - áo - gạo - tiền, nhà cửa, đất đai, khám chữa bệnh, học hành...

Thời đó, có biết bao người đã khốn khó vì cái hộ khẩu. Nhưng rồi người ta vẫn cố lách, cố chen, cố chạy chọt hoặc chấp nhận bám trụ đến cùng để chờ ngày thoát khỏi cảnh làm “công dân hạng hai” và trở thành một người đô thị chính cống. Rốt cuộc là chính sách siết chặt nhập khẩu vẫn không đem lại hiệu quả như mong muốn, các thành phố lớn vẫn cứ phình to, chật chội đến mức nghẹt thở.

Cái thời “nông nổi” ấy đã qua lâu rồi. Bây giờ không thể bất chấp tất cả để đưa ra những quy định đi ngược với quyền tự do cư trú của người dân được khẳng định rõ trong Hiến pháp. Lại càng không thể duy ý chí khi đưa ra một chính sách vốn đã không hiệu quả từ lâu. Thời trước, hộ khẩu là thứ quyền năng vạn biến, nhưng cuộc sống vẫn mặc kệ cái hộ khẩu, người dân nông thôn cứ kéo nhau ra thành phố. Ngày nay, hộ khẩu không còn uy lực như xưa, không có hộ khẩu thì có bị khống chế một số quyền lợi, nhưng về cơ bản là vẫn sống, học tập và làm ăn bình thường. Với một tình hình như vậy, liệu chính sách siết chặt nhập khẩu vào các đô thị lớn có còn hợp thời? Đó là chưa kể tới việc phải nhìn nhận người nhập cư bằng thái độ tích cực, trong số họ có nhiều người đã cống hiến không nhỏ cho sự phát triển của đô thị.

Giảm áp lực cho các thành phố lớn là cần thiết, việc đáng làm. Nhưng phải có giải pháp căn cơ, bền vững về kinh tế - xã hội, phải giảm chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người nông dân vốn đang ngày càng thiếu đất... Ông cha ta thường nói “Đất lành chim đậu”. Nếu quê hương là “đất lành”, người dân không hà cớ gì phải bỏ xứ để đi tới những nơi xa lạ. Còn như vẫn để nông thôn nghèo khó như hiện nay thì dù có cấm cản cũng vô nghĩa, làm sao ngăn được quy luật “nước chảy về chỗ trũng”?

LÊ THANH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên