21/05/2013 08:28 GMT+7

Cơ hội của cải cách

CÂM VĂN KÌNH ghi
CÂM VĂN KÌNH ghi

TT - Tính đến nay, doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn đã 3-6 năm. Sức khỏe nền kinh tế đã yếu đi nhiều. Trong khi đó, các giải pháp quan trọng, hàng đầu là chương trình tái cơ cấu nền kinh tế nếu xét trên tổng thể thì chưa triển khai được bao nhiêu. Khó khăn đã ngấm sâu, giải pháp không thể chậm nữa, cần thay đổi cách thức thực hiện, lộ trình cụ thể để thúc đẩy việc thực hiện...

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã tuyên bố phải tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. Từ đó đến nay đã ba năm. Nếu đánh giá từng con số cụ thể, như lạm phát năm tăng năm giảm, đầu tư nước ngoài năm giảm năm tăng... thì khó có thể thấy hết tình hình thực tế của đất nước. Cần cái nhìn dài hạn tổng thể và “động” hơn. Như nếu xét từ năm 2007, khi VN bắt đầu hội nhập vào thế giới với tư cách thành viên WTO, tăng trưởng của chúng ta liên tục giảm dù cơ hội không phải là ít. Cái người dân lo hàng đầu là lạm phát thì lên nhiều hơn xuống. Và ngay cả khi lạm phát xuống, thường được coi là thành tích, thì nó cũng chứa đựng những điều cực kỳ đáng lo ngại. Đó là tính bất ổn tăng lên (thể hiện qua mức độ dao động lớn của biên độ lạm phát) và cái giá phải trả rất không nhỏ để kéo lạm phát xuống. Một trong những cái giá đó chính là số lượng doanh nghiệp đóng cửa lớn và đang tiếp tục tăng.

Đã đến lúc không thể chần chừ được nữa. Không thể đợi đến lúc hết khó khăn mới lo chuyện dài hạn, mà cần rút kinh nghiệm ba năm qua để đặt ra quyết tâm, cách làm và lộ trình mới cho tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo tôi, điều thứ nhất cần thay đổi là cách làm. Cách chúng ta tái cơ cấu hiện nay là từ dưới lên, nghĩa là doanh nghiệp tự làm đề án, sau đó trình lên, rồi tự thực hiện. Doanh nghiệp chắc cũng có quyết tâm, nhưng quyết tâm đó có đủ triệt để không khi bản thân doanh nghiệp đang bị vướng vào các quan hệ lợi ích? Mục tiêu đề án có đồng thuận, thực hiện có nhất quán, có tạo được sự đồng nhịp cho nền kinh tế không?... vẫn chưa thể khẳng định. Kinh nghiệm cho thấy tự cải cách chính mình thì khó lòng triệt để, nhất là khi động vào những vấn đề phức tạp, dính đến quyền lợi và mang tính quyết định.

Vì vậy, đã đến lúc cần thay đổi cách làm. Nhà nước cần chọn một vài điểm cụ thể, như một số tập đoàn lớn, căn cứ vào nhu cầu của nền kinh tế, ấn định việc tái cơ cấu, chấp nhận đau đớn. Đã tái cơ cấu là phải chấp nhận hi sinh, không thể có cải cách mà không có đánh đổi, thậm chí mất mát. Như Vinashin, sau một thời gian đã khoanh nợ, giãn nợ, nếu chưa đạt hiệu quả, vẫn tạo sức ì cho nền kinh tế thì cần có giải pháp quyết liệt hơn, táo bạo hơn...

Thứ hai, sau khi đã thực hiện tái cơ cấu một số trọng tâm, cần đặt lộ trình cụ thể cho tái cơ cấu. Quá trình thực hiện phải được lượng hóa, đo đếm được để biết cơ quan nào làm, làm đến đâu, nơi nào không làm. Điều này rất quan trọng để tránh ai cũng nói phải tái cơ cấu nhưng thực tế vẫn làm theo cách “triệt để” - tức làm triệt cái dễ, cái khó để lại; hoặc làm theo kiểu “từng bước”, mà bước một là không làm gì cả, bước hai nhìn lại bước một...

Khủng hoảng là cơ hội của cải cách. Ai cũng có niềm tin VN sẽ đảo ngược tình thế khó khăn hiện nay. Nhưng chỉ có thể đảo ngược tình thế bằng cải cách thật sự. Và có đảo ngược được tình thế không, hiệu quả nhanh thế nào sẽ phụ thuộc vào các phiên làm việc của Chính phủ, Quốc hội ngay trong những ngày này, tháng này, chứ không nên là khi nào khác.

CÂM VĂN KÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên