18/05/2013 09:00 GMT+7

Đắng lòng vì một cách xài vốn ODA

N.V.HẢI
N.V.HẢI

TT - Báo cáo Chính phủ tháng 12-2012, Ủy ban Dân tộc cho biết dự án Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc VN “đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, cấp điện cho UBND xã, trường học, trạm xá, các hộ dân xung quanh dự án”.

Thế nhưng, điều tra riêng của báo Tuổi Trẻ đã cho thấy tại thời điểm tháng 5-2013, vẫn còn ít nhất hai trong số 70 xã này hoặc là chưa lắp đặt hoàn chỉnh (thiếu trạm thu - phát truyền hình vệ tinh như ở xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, Sơn La), hoặc là vẫn còn nằm nguyên trong kho từ hai năm nay (như trường hợp ở xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, Sơn La). Ở một số xã khác tại miền Trung, hoặc vì đã có điện lưới quốc gia, hoặc vì không được chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng, nên có những trạm điện mặt trời bị bỏ không, thiết bị hư hỏng, xuống cấp, thậm chí trở thành nơi cho... bò dạo chơi.

Thật lạ lùng! Một dự án với tổng mức đầu tư gần 197,3 tỉ đồng (gần 8 triệu euro), trong đó có hơn 134 tỉ đồng là vốn hỗ trợ phát triển (ODA) vay từ Phần Lan và trên 63 tỉ đồng vốn đối ứng của VN, lại được quản lý, vận hành theo một cách dễ dãi và quan liêu đến vậy! Làm việc với Tuổi Trẻ, chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện đều nói cơ bản không biết dự án này, rằng người của ban dự án làm việc trực tiếp với xã, ở một vài nơi có phối hợp với phòng dân tộc huyện. Bởi vậy, mới có chuyện những thùng thiết bị hiện đại nhập từ nước ngoài trị giá tiền tỉ nằm phơi mưa, phơi nắng ở bên ngoài UBND xã Háng Đồng gần ba năm mà chủ đầu tư là Ủy ban Dân tộc không hề hay biết.

Theo lời ông giám đốc Ban quản lý dự án điện mặt trời (thuộc Ủy ban Dân tộc) Nguyễn Văn Thanh, dự án này ban bệ, thành phần cũng đủ cả. Với thành phần như vậy, lẽ ra dự án phải được vận hành chặt chẽ, trơn tru, đảm bảo tiến độ. Nhưng thực tế diễn ra không phải vậy. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: đơn vị giám sát này đã làm gì cho dự án khi mà ở Háng Đồng, thiết bị chất đống ngoài trời gần ba năm qua, hay nằm nguyên trong kho gần hai năm ở Chiềng Nơi? Phải chăng sự có mặt của đơn vị giám sát chỉ cho... “đẹp đội hình”?

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, vì tin tưởng cấp dưới báo cáo dự án đã hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao cho các xã, nên hết năm 2012, giám đốc ban quản lý dự án đã ký văn bản “trả lại 15 tỉ đồng” cho Nhà nước. Có đâu ngờ vẫn còn những xã thiết bị hoàn toàn chưa được lắp đặt như Chiềng Nơi, Háng Đồng...

Sau loạt bài điều tra, đã có đại biểu Quốc hội nói với Tuổi Trẻ sẽ gửi văn bản chất vấn ông Giàng Seo Phử, bộ trưởng - chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, về cách điều hành và trách nhiệm đối với những vấn đề báo chí nêu ra ở dự án này. Rồi đây, cơ quan chức năng cũng sẽ vào cuộc kiểm tra, giám sát. Nhưng dù thế nào, chuyện về một dự án sử dụng đồng vốn ODA như trường hợp dự án điện mặt trời này khiến người ta cảm thấy rất đắng lòng...

Số nợ công của Việt Nam đang ở mức cao. Góp phần lớn trong số nợ công này là các dự án vay vốn ODA kiểu như dự án điện mặt trời này. Một khi số vốn ODA không được sử dụng và phát huy một cách hiệu quả, tiết kiệm và hợp lý, sẽ gây nhiều tổn hại cho nền kinh tế và người dân Việt Nam. Bởi vay thì phải trả, vay mà sử dụng lãng phí càng nhiều thì con cháu chúng ta phải còng lưng gánh nợ càng lớn.

Hơn nữa, trong khi nhiều tổ chức, cá nhân đang nỗ lực chắt chiu, vận động từng đồng chung tay chăm lo cho đồng bào, học sinh vùng dân tộc miền núi khó khăn... thì một dự án hàng triệu euro như thế lại không được kịp thời lắp đặt và phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho bà con. Cứ nghĩ đến lại không thể không thấy chạnh lòng...

N.V.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên