Nhiều quận huyện khác tại TP.HCM cũng có tình trạng tương tự. Mất không ít thời gian, làm nhiều thủ tục mới có được giấy chủ quyền nhà đất nên việc xin trả lại với người dân là chuyện chẳng đặng đừng.
Với khoảng 8m2 đất ở vượt hạn mức tại quận 8, một hộ dân được cơ quan thuế thông báo phải đóng tiền sử dụng đất trên 100 triệu đồng. Bình quân mỗi mét vuông đất phải đóng khoảng 12,5 triệu đồng, quá cao cho một quận vùng ven. Dân kêu thu rát quá, chẳng khác nào họ phải bỏ tiền để “mua” lại đất của chính mình.
Cùng quy định về tiền sử dụng đất của Chính phủ, nhưng mỗi địa phương lại có cách tính khác nhau. Hà Nội áp dụng hệ số K chỉ bằng 1,2-2 lần bảng giá đất quy định hằng năm để thu tiền sử dụng đất cho phần diện tích đất ở vượt hạn mức. Nhưng TP.HCM áp dụng hệ số K cao hơn, từ 3,5-4,5 lần tùy quận huyện. Một mét vuông đất ở vượt hạn mức trước đây nộp tiền sử dụng đất chỉ 5 triệu đồng thì nay phải nộp từ 17,5-22,5 triệu đồng. Dù giá đất ở của Hà Nội cao hơn TP.HCM nhưng lại áp hệ số K thấp hơn, một cán bộ Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội nói rằng phải chọn ở mức hợp lý để người dân chấp nhận và thực hiện được.
Hơn ba năm qua, kể từ khi quy định đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường trong điều kiện bình thường có hiệu lực (cuối năm 2009), các sở ngành liên quan của TP.HCM đã họp bàn nhiều lần và sau khi nâng lên hạ xuống, cuối cùng TP quyết định đưa ra hệ số K như đang áp dụng. Cùng thời gian này, nhiều người dân thấp thỏm chờ đợi mong được nộp tiền sử dụng đất để có giấy chủ quyền. Nhiều giao dịch nhà đất phải ngưng lại làm người dân bức xúc. Thế nhưng, việc ban hành hệ số K quá cao đã khiến người dân ngậm ngùi xin trả lại giấy chủ quyền. Theo một số chi cục thuế - nơi thu tiền sử dụng đất, đây là hiện tượng bất thường.
Đất đai là tài sản của cả đời người, ai cũng muốn có giấy tờ chứng minh là của mình. Nhưng sự bất hợp lý là quá lớn nên dù muốn nhưng người dân không có lựa chọn nào khác là trả lại giấy. Bất hợp lý phải trả tiền thêm một lần mới có được chủ quyền không chỉ có dân kêu mà trước đây các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng từng chịu cảnh tương tự.
Mục tiêu chung của cả nước là đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chủ quyền để người dân giao dịch nhà đất đúng quy định. Điều này mang lại nhiều cái lợi: Nhà nước quản lý dễ dàng và thu được thuế, an toàn cho cả người bán lẫn người mua, góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Nếu cứ đưa ra mức thu rát làm dân kêu thì làm sao mọi người có giấy tờ hợp pháp để mua bán đàng hoàng và nộp thuế. Hàng loạt nhà đất không có giấy tờ đâu chỉ khổ cho dân mà Nhà nước cũng khó quản lý. Xem ra, bài học thu ít mà được nhiều hay nuôi dưỡng nguồn thu vẫn cần được nhắc lại trong trường hợp này và cần sớm sửa cho phù hợp với cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận