22/03/2013 09:48 GMT+7

Trọng một cách viết, trách một cách đọc

NGUYỄN THẾ THANH
NGUYỄN THẾ THANH

TT - Tôi đọc truyện ngắn Bóng anh hùng của Doãn Dũng muộn hơn rất nhiều người, vào một buổi trưa công sở yên ắng.

Câu chuyện của một hồn ma chiến binh còn rất trẻ, lại là đứa con duy nhất của một gia đình liệt sĩ, đã lay động mạnh trái tim tôi và kéo tôi đi một mạch đến dòng cuối cùng. Không một chi tiết nào của truyện gợi lên “sự khinh miệt”, “sự phỉ báng”, “sự đớn hèn”.

Tràn ngập trong từng trang truyện là niềm xúc động về cách thể hiện tình yêu mà người mẹ và cũng là người vợ liệt sĩ dành cho con trai duy nhất của mình: kiên quyết đưa con nhập ngũ, kiên quyết đưa con trở lại đơn vị vào mùng 1 tết để không vi phạm điều lệnh quân đội, kiên quyết đi làm nhiệm vụ thăm tết các gia đình chính sách vào đúng ngày giỗ con.

Tưởng như tình yêu ấy quá “gỗ đá” nếu như không có các chi tiết truyện lay siết trái tim người đọc đến rơi nước mắt, như chi tiết người mẹ quyết liệt dùng xe đạp chở con trở lại đơn vị vào sáng sớm mùng 1 tết, nhưng khi lên xe thì hướng mà bà đạp tới lại là hướng ngôi nhà của mình, chỉ đến khi con trai nhắc bà mới sực tỉnh quay đầu xe!

Thì ra tận đáy lòng người mẹ “gỗ đá” ấy, quán tính thông thường vẫn là nỗi khát khao được cùng con đón tết tại căn nhà vốn đã quanh năm hiu quạnh bóng chồng, bóng con.

Hay như chi tiết này nữa: khi đồng đội tìm thấy hài cốt của con trai trong cái hang mà anh đã ngã xuống “Mẹ ngất đi khi nhìn thấy mảnh giấy có dòng chữ tôi viết tên tuổi, quê quán, đơn vị hàn kín bằng nilông rồi đút vào túi áo ngực trước khi lên hang. Mẹ bế từng khúc xương tôi vào lòng”. Không còn được bế con vì nó đã chết trong khi làm nhiệm vụ vì Tổ quốc thì người mẹ ấy bế những gì còn lại của đứa con bà đã dứt ruột sinh ra.

Trong trái tim người mẹ, không có sự hi sinh nào là “nhạt toẹt” khi đứa con biết rời mái nhà ấm cúng, thân thuộc của mình để đi về hướng Tổ quốc cần.

Và tận đáy lòng, chẳng người mẹ nào lại cần danh hiệu này khác hơn chính đứa con sống cạnh mình bằng xương bằng thịt.

Nếu không có những bà mẹ vĩ đại như bà mẹ trong truyện ngắn Bóng anh hùng và hàng triệu bà mẹ khác, nếu như không có những đứa con biết nghe lời mẹ đi làm nhiệm vụ và mất đi tính mạng vì nhiệm vụ ấy, đất nước chúng ta sẽ ra sao khi phải đi qua ngần ấy cuộc chiến tranh giữ nước dai dẳng và ác liệt?

Vậy sao có thể hiểu rằng miêu tả nhân vật người chiến sĩ trẻ đã hi sinh trong truyện và người mẹ trong truyện là hạ thấp người lính và hậu phương người lính?

Đọc những thông tin mấy hôm nay trên báo Tuổi Trẻ về truyện ngắn Bóng anh hùng, tôi càng thấm thía lời tự răn lấy mình khi còn đương nhiệm công tác quản lý văn hóa.

Làm quản lý văn hóa tức là vừa làm cảnh sát vừa làm bà đỡ. Làm cảnh sát thì dễ rồi, cái gì sai quy định thì thổi còi. Nhưng làm bà đỡ thì không dễ chút nào.

Cái đã quen, đã cũ thì cần gì tới sự đỡ đần. Cần đến vai trò của “bà đỡ” là ở chính những khi xuất hiện cái mới, cái chưa quen. Chưa cảm được, chưa hiểu được cái mới đâu phải chỉ do người sáng tạo ra nó, mà rất nhiều khi do sự giới hạn của người thưởng thức.

Vậy nên chăng thay vì vội vã quy kết, chụp mũ cho tác giả, hãy bình tĩnh xem xét một cách công bằng năng lực sáng tạo và cả năng lực thưởng thức sự sáng tạo nữa.

Với tôi, một người có cha hi sinh trong cuộc chiến tranh giữ nước và từng trải nghiệm công tác quản lý trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, tôi thật sự trân trọng cách viết độc đáo về chiến tranh của tác giả Doãn Dũng trong truyện ngắn Bóng anh hùng, và thật tiếc không thể không bày tỏ một lời trách về cách đọc không xuất phát từ văn chương của những bạn đọc nào đó.

Xem thêm:

Bóng anh hùng (20/03) "Bóng anh hùng" khốn khổ bởi kiểu đọc quy chụp (20/03) Bóng anh hùng và Không lạ (09/11) Sẽ đưa vụ Bóng anh hùng ra ban thường vụ tỉnh ủy
NGUYỄN THẾ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên