22/02/2013 10:40 GMT+7

Méo mó đức tin - biến tướng lễ hội

THU HÀ
THU HÀ

TT - Mùa lễ hội mới bắt đầu chưa được mười ngày, nhưng lại kịp bày ra nguyên trạng những méo mó biến tướng của “tín ngưỡng thời cơ chế thị trường” khiến cả người đi lễ lẫn các nhà quản lý, các nhà văn hóa chỉ còn biết vừa cười vừa... mếu.

Chuyện nhét tiền vào tay tượng Phật ở tất cả các chùa, chuyện rải tiền trắng mặt trống đồng của Bái Đính hay ném tiền vô tội vạ xuống giếng Tiên đền Hùng chẳng còn là mới mẻ, thậm chí chẳng ai buồn sốc.

Một tiến sĩ Hán Nôm vừa buồn bã đưa lên trang web cá nhân của mình cảnh pho tượng Phật trong ngôi chùa gần làng ông bị khách thập phương nhét tiền vào... mồm, thì một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian khác đã lên tiếng vì chứng kiến cảnh người ta đốt vàng mã... cave cho người đã khuất (chắc với ý: trần sao âm vậy!).

Từ trước tết, đường vào đền bà chúa Kho, Bắc Ninh đã đông đặc người xe đi trả lễ cuối năm và ngoài giêng, cũng đường vào ngôi đền này, lại ken dày người xe đi “vay vốn” và xin lộc rơi lộc vãi. Đêm 14 rạng 15 tháng giêng, “cao điểm” nhất của mùa lễ hội là lễ phát ấn đền Trần, chính quyền địa phương đã phải chuẩn bị nhiều phương án bảo vệ huy động tới hàng ngàn nhân lực, cùng với lượng ấn lên đến 50.000 chiếc (gấp đôi mùa phát ấn năm 2012) để tránh tái diễn tình trạng “cướp ấn”, vỡ trận...

Ít ai trong dòng người chen chúc đi lễ bà chúa Kho hiểu được ngôi đền linh thiêng ấy theo truyền thuyết thờ một người đàn bà tên Lý Thị Châu, người đã tự nguyện đứng ra chỉ huy quân sĩ bảo vệ kho lương, lo việc hậu cần cho binh sĩ, để chồng yên tâm ra trận mạc trong kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2.

Và trong cuộc kháng chiến lần thứ 3 nghe tin chồng đã mất, kinh thành sắp thất thủ, bà Lý Thị Châu cố nén đau thương sai quân chuyển kho, cất giấu của cải và lương thực. Khi mọi chuyện đã thu xếp xong, bà lấy khăn hồng thắt cổ tự vẫn. Bà chúa Kho linh thiêng chẳng bao giờ kinh doanh gì và do đó cũng chẳng cho ai vay tiền cả (!). Và hẳn cũng rất nhiều người chen lấn xô đẩy hò hét chìa tay cướp cho được một tờ giấy có đóng cái triện trong đêm 14 rạng ngày 15 ở đền Trần chịu hiểu rằng cái tờ giấy có đóng dấu triện mà họ gọi là “ấn đền Trần” chỉ là một thủ tục mang tính cầu an, cầu phúc của một ngôi đền dành cho dân địa phương, chẳng hề có ý nghĩa cầu lộc, cầu quan tước và càng chẳng hề là nghi lễ quốc gia có nguyên thủ về dự như ban tổ chức mấy năm nay vẫn tuyên truyền.

Không phải người hành lễ không có điều kiện tiếp cận thông tin, một khi kiến thức đơn giản về các nghi lễ, các lễ hội, các danh nhân... có thể tìm thấy một cách tương đối dễ dàng ở bất cứ sách báo, trang thông tin điện tử nào, và những người tấp nập trẩy hội hầu hết đều có trình độ văn hóa trên trung bình, thậm chí nhiều quan chức cao cấp, có học hàm học vị. Việc có khá nhiều quan chức trong dòng người đi lễ, vay vốn, trả lễ, cướp ấn..., với những mâm cỗ thật cao, thật đầy, dâng cả gà luộc lợn quay lên bàn thờ Phật càng khiến người dân - vốn đang gặp phải những khó khăn bủa vây tứ bề thời kinh tế khủng hoảng níu lấy sự cúng bái thần thánh như những hi vọng cứu rỗi cuối cùng

“Giải thiêng” các câu chuyện đã được tân trang, đánh bóng về các lễ hội biến tướng, trả lại các giá trị nguyên sơ, bản địa, trả lại quy mô làng xã cho các lễ hội đặc trưng địa phương và cố gắng giữ tâm thế đi hội để tưởng nhớ tiền nhân, thờ cúng tổ tiên, để khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của đất nước, cố gắng gạt chữ “tham” khi thắp nén hương khấn thần Phật... Những vấn đề tưởng giản đơn nhưng thật thách thức với cả một xã hội, khi đức tin đã méo mó để dẫn đến những lễ hội biến tướng dị thường.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: lê hội Đức tin