Rất nhiều ý kiến gửi đến để chia vui với chị Phụng, hoan nghênh tinh thần dũng cảm sửa sai của ông chủ tịch tỉnh.
Ông Lê Minh Hoan bảo cũng nhận được rất nhiều điện thoại, tin nhắn, email và cả thư tay, tất cả đều là những lời cảm ơn, động viên, trông đợi. Văn phòng ủy ban cho biết danh sách đăng ký xin gặp chủ tịch UBND tỉnh tăng đột biến và lịch tiếp dân của chủ tịch đã được tăng lên hai ngày/tháng. Ông Hoan nói: “Tôi đã hẹn tiếp một gia đình nữa, vụ việc cũng đã kéo dài 9 - 10 năm. Tôi chỉ biết hết sức cố gắng”.
Ngày 24-1, một lần nữa tôi đi Cao Lãnh. Vẫn biết quá trình sửa lại những quyết định hành chính chồng chéo nhiều cấp, nhiều lần sau nhiều năm là không thể nhanh chóng, nhưng sau cuộc họp của các cán bộ tỉnh Đồng Tháp với chị Phụng, tất cả những người tham dự đều thấy tràn về một nỗi thất vọng.
Thực hiện yêu cầu của chủ tịch UBND tỉnh về việc xác định lại các ranh đất để có hướng xử lý, báo cáo mới nhất của UBND huyện Tháp Mười ký ngày 14-1 vẫn bảo lưu ý kiến: “Xác định 5.000m2 đất của gia đình ông Phan Văn Bình là nằm trong vùng quy hoạch”. UBND tỉnh mời chị Phụng đến, mấy anh cán bộ thăm dò một giải pháp dung hòa: “Thôi giờ đừng nói trong hay ngoài nữa, thỏa thuận bồi thường sao cho êm xuôi”, nhưng chị Phụng vẫn cứ khăng khăng: “14 năm nay tôi bỏ cả tuổi xuân đi khiếu nại là để khẳng định đất của gia đình tôi nằm ngoài vùng quy hoạch. Hôm rồi ông chủ tịch đã khẳng định tôi đúng sau khi nghiên cứu kỹ các hồ sơ, bản vẽ, nay huyện lại nói thế này, tôi đề nghị cho xác định lại toàn bộ mốc giới của khu thị tứ chợ Trường Xuân”... Câu chuyện 14 năm của chị Phụng như vậy là chưa thể kết thúc.
Biên bản cuộc làm việc chỉ xác định được bản vẽ thửa đất nhà ông Bảy Bình, mọi việc còn lại về bản vẽ quy hoạch, về các cuộc cưỡng chế, những thiệt hại trên đất... sẽ phải tiếp tục chờ. Về phía bản án hình sự, Công an huyện Tháp Mười đã gửi đến chị Phụng và chị Loan quyết định đình chỉ điều tra vì xác định “hành vi không phạm tội”. Vui mừng vì danh dự được phục hồi, chị Phụng lại nhìn đến chặng đường yêu cầu bồi thường oan sai đằng đẵng phía trước. Về nhà, bà Bảy cứ hỏi mãi: “Bay nói cho má nghe, má mừng”, chị Phụng thở dài. Năm nay bà Bảy đã 81 tuổi rồi, không biết bà sẽ mừng cho con được bao lâu. Anh em, làng xóm tụ lại hỏi thăm xem khi nào gia đình ông Bảy Bình khỏi cảnh ly tán, mỗi người một túp lều... Hi vọng của mọi người đều đổ dồn vào ông chủ tịch UBND tỉnh.
Làm đúng đã khó, sửa sai lại càng khó, nhất là khi cái sai lại liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Một lời khẳng định của chủ tịch UBND tỉnh vẫn chưa đủ để sửa sai, còn phải chờ vào sự dũng cảm nhận khuyết điểm của những người xử lý trước đó, còn phải chờ vào những quyết định bản lĩnh sau đó, còn phải chờ vào những thuộc cấp thẳng thắn, trung thực bên cạnh đó.
Có thấy nụ cười của chị Phụng mỗi khi nhắc đến những lời khẳng định của chủ tịch Lê Minh Hoan mới biết lòng người dân khoan hòa đến thế nào. Có thấy những đêm trắng của chị Phụng mỗi khi nhận được cuộc hẹn giải quyết vụ việc mới biết sự mong mỏi được thấy lãnh đạo biết gần dân, biết lắng nghe, biết sửa sai là lớn đến bao nhiêu. Có bao nhiêu người dân như chị Phụng đã phải khổ cực, nhọc nhằn vì những sai lầm của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, và vì vậy khi dân còn khổ, lãnh đạo càng phải biết sửa sai, dù rằng sửa sai thật khó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận