Bức ảnh ngay sau đó được lan truyền trên Facebook và gây ấn tượng mạnh trong cộng đồng mạng. Hơn 50 trang Facebook cá nhân đã xin được chia sẻ lại tấm hình ấy và rất nhiều comment trong số ấy đã để lại với ý ngợi khen ông chủ tịch UBND huyện đảo bởi hành động rất văn hóa: Cúi đầu.
Với tôi, đó là một thời khắc hết sức ý nghĩa khi mà cái cúi đầu của một vị quan chức Đà Nẵng diễn ra đúng sau một ngày của kỷ niệm đau buồn 39 năm về trước - Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm rồi đồn trú trái phép từ đó đến nay.
Đây không phải là lần đầu tiên ông chủ tịch huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ các nhân chứng mà theo lời ông nói: “Vào ngày này của 39 năm về trước, họ đã có mặt trên đảo, đã chứng kiến và đã giáp mặt với kẻ thù. Và chính họ chứ không ai khác đã đau đớn khi thấy Hoàng Sa bị mất về tay Trung Quốc”. Rất nhiều lần trước đó, UBND huyện Hoàng Sa đã mời các nhân chứng đến gặp gỡ, nói chuyện cũng như đề nghị họ kể lại những câu chuyện mà họ đã sống và trải nghiệm trên đảo. Nhưng cái cúi đầu lần này của ông Ngữ khi phía trước ông là hàng trăm ống kính báo đài cùng hàng nghìn ánh mắt đã khiến cộng đồng mạng “like” mạnh.
Trên trang mạng xã hội Facebook có rất nhiều ý kiến bình luận về bức ảnh. Có comment cho rằng: đó là cái cúi đầu tri ân các nhân chứng sống - những người đã không ngại đổ máu để cố giành lại đảo nhưng bất lực. Còn với cá nhân tôi, cái cúi đầu của ông Ngữ là cái cúi đầu trước những vong linh đã ngã xuống vì Hoàng Sa của 39 năm về trước.
Trong số bảy nhân chứng có mặt hôm khai trương triển lãm có ông Nguyễn Văn Cúc (hiện sống ở Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Là người đã ba lần ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ và lần cuối cùng, chính mắt ông Cúc đã chứng kiến toàn bộ quần đảo Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc... Kết cục, ông cùng đồng đội bị bắt, dẫn giải qua tận Hong Kong..., mãi hơn một tháng sau mới được trao trả. Ông Cúc tâm sự đã thấy ấm lòng thật sự trước cái cúi đầu của ông chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa.
Chỉ là một khoảnh khắc chưa đến năm giây ngay sau bài phát biểu được cho là hùng hồn nhất về Hoàng Sa của ông Đặng Công Ngữ từ trước đến nay, nhưng ông Ngữ đã để lại một ấn tượng phải nói là rất đẹp trong lòng những ai có mặt hôm đó. Và tôi cũng tin rằng với những ai ở vị trí của ông Ngữ vào hôm ấy sẽ có một hành động như vậy. Một hành động đúng mực để tưởng nhớ về những người từng “Lao thẳng vào tàu giặc cướp/Tên anh còn mãi với Hoàng Sa” (thơ Trần Mạnh Hảo).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận