Đây không phải lần đầu tiên giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam bị từ chối. Năm 2003, nhà văn Hồ Anh Thái đã từ chối tặng thưởng của hội cho tập truyện ngắn Tự sự 265 ngày của mình. Năm 2006, nhà thơ Ly Hoàng Ly cũng gửi thư đến hội xin từ chối tặng thưởng dành cho tập thơ Lô Lô với lý do “không thấy được sự nghiêm túc trong việc xét giải, ngược lại còn thấy một thái độ thiếu tôn trọng các tác phẩm mà hội đồng đưa ra để bình bầu”. Cũng trong năm này, giải thưởng ở hạng mục thơ được trao cho Thương lượng với thời gian của chủ tịch hội Hữu Thỉnh gây nhiều xôn xao. Nhà thơ Hữu Thỉnh sau đó từ chối nhận giải thưởng tại lễ trao giải.
Suốt gần 20 năm trở lại đây, sau mỗi kỳ xét giải thưởng, dù giải hằng năm của hội nghề nghiệp hay giải thưởng quốc gia định kỳ năm năm, lời qua tiếng lại, tiếng bấc tiếng chì về tiêu chí cũng như quá trình xét các giải thưởng văn hóa nghệ thuật cứ âm ỉ, và nhiều lúc thổi bùng lên trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đã có nhiều nhà văn hóa, nhà quản lý và bản thân văn nghệ sĩ lên tiếng về vấn đề này, tựu trung nguyên nhân vẫn là: tiêu chí không rõ ràng, quá trình chấm (xét) không công bằng, thiếu minh bạch và giải pháp vẫn là: cần phải thay đổi. Nhưng thay đổi như thế nào ai cũng ngại nói ra.
Vậy hãy thử nhìn sang hai giải thưởng tuy chưa có “thâm niên” bằng các giải thưởng trên đây, nhưng từ khi xuất hiện đã nhận được sự đồng thuận gần như tuyệt đối của cả giới chuyên môn và công luận: giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội và giải thưởng Phan Chu Trinh.
“Công tâm và dũng cảm” là đánh giá chung của hầu hết bạn đọc khi nói về giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, từ sự công nhận kịp thời ngay khi tác phẩm ra đời của Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương... đến giải thưởng trọn đời cho Trần Dần, Phùng Cung... hay giải thưởng dịch thuật cho tác phẩm Lolita của dịch giả Dương Tường; ban giám khảo của Hội Nhà văn Hà Nội luôn chứng tỏ bản lĩnh nghề nghiệp và cái tâm với bạn nghề, thái độ sẵn sàng chịu trách nhiệm trước công luận của mình.
“Đốt đuốc đi tìm tác phẩm xuất sắc”, dù nó là của ai, ở đâu, có tên tuổi hay chưa là tiêu chí của các thành viên hội đồng khoa học của giải Phan Chu Trinh. Tự tìm đọc tác phẩm, tự tìm đến tác giả, năn nỉ những người vốn chỉ thích cống hiến trong im lặng ra nhận giải - vinh quang giản dị do đồng nghiệp trao tặng, các thành viên chấm giải Phan Chu Trinh đã góp phần tìm cho nền văn hóa nước nhà bao nhiêu tài năng còn mai danh ẩn tích, phủi bụi thời gian cho những ông già trên 90 tuổi như nhà dân tộc học người Pháp Condominas (1921-2011) và vinh danh cả nhà quản lý Nguyễn Sự như một người gìn giữ văn hóa cho muôn đời.
Cả giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội và giải Phan Chu Trinh đều không có giá trị lớn về vật chất, nhưng đã trở thành vinh dự lớn lao cho bất kỳ ai được trao.
Không dám lạm bàn nhiều với các văn nghệ sĩ vốn thừa chữ nghĩa và “cái tôi”, chỉ mong trước và sau mỗi kỳ giải thưởng, những người được chọn mặt gửi vàng để chấm và xét giải tham khảo quan điểm chọn người, chọn tác phẩm và cách trao giải của những giải thưởng giản dị và khiêm tốn như Phan Chu Trinh, Hội Nhà văn Hà Nội. Khi đó dư âm hậu giải thưởng chắc đỡ buồn hơn thế này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận