14/01/2013 08:17 GMT+7

Sòng phẳng

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Giá điện sẽ theo cơ chế thị trường - Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định sẽ kiên trì định hướng này, vấn đề là chọn thời điểm phù hợp.

Nguyên lý căn bản của thị trường là giá đi kèm với chất lượng. Nhưng điều đáng buồn là năm qua, dù giá điện tăng hai lần, nhưng tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) Phạm Lê Thanh lại công nhận chất lượng điện vẫn chưa tốt...

Theo ông Phạm Lê Thanh, dù năm 2012 không thiếu điện, thậm chí thừa, nhưng số lần cắt điện, thời gian cắt điện vẫn nhiều. Giải thích cho hiện tượng này, báo cáo tổng kết của EVN nêu thực tế tình trạng không tuân thủ đúng quy trình, kỷ luật vận hành còn xảy ra ở các đơn vị, cả truyền tải và phân phối. Các sự cố đã xảy ra nhiều nơi, trong đó có cả sự cố ở trạm biến áp và đường dây khiến Hà Nội mất điện trên diện rộng.

Cơ chế thị trường không chỉ đòi hỏi người dân trả giá điện đảm bảo EVN có lãi mà còn đòi hỏi sự bình đẳng giữa người mua, người bán. Năm nay hiếm hoi EVN công nhận nhiều sự cố là do lỗi chủ quan của mình. Theo quy định, nếu cắt điện không báo trước do lỗi chủ quan của bên cung cấp thì EVN có thể phải đền bù cho khách hàng bị thiệt hại do mất điện. Nhưng trong năm 2012, không có vụ đền bù trên diện rộng nào được công bố rộng rãi. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là EVN đã thật sự minh bạch và cung cấp thông tin đầy đủ để “thượng đế” có thể thực hiện quyền của mình? Cơ quan giám sát đã thông tin đầy đủ để người dân có thể đòi quyền lợi khi bị thiệt hại?

EVN đã chọn năm 2013 là “năm kinh doanh và dịch vụ khách hàng”, nhấn mạnh mục tiêu nâng cao dịch vụ khách hàng. Tuy nhiên, phát biểu tại lễ tổng kết của EVN, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhắc: giá điện 7,2 cent/kWh không phải là thấp. Vì vậy, đã nhận thức về chất lượng điện thì EVN phải có chương trình, tiêu chí cụ thể để đánh giá chất lượng tốt lên bao nhiêu chứ không thể chung chung...

Lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã thừa nhận là đang dùng 80% thời gian để lo các dự án mới. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải không hài lòng. Bởi lẽ nếu chỉ có 20% thời gian để chăm lo cả hệ thống sẽ dễ dẫn đến sự cố, mất điện.

EVN hứa sẽ nâng chất lượng điện. Nhưng quan trọng là làm thế nào để người tiêu dùng đánh giá chất lượng tương ứng với giá. Muốn vậy, ngoài nỗ lực của EVN, cần sự sát sao và minh bạch hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Nếu những sự cố do lỗi chủ quan của EVN được công khai, phổ biến đến người dân tốt hơn, EVN phải đền bù (nếu có lỗi) trước những thiệt hại của khách hàng. Điều đó sẽ tạo được sức ép để ngành điện phải thắt chặt kỷ cương, tránh xảy ra những sự cố tương tự.

Nếu buộc phải tăng giá điện theo lộ trình thì cũng cần phải có lộ trình nâng cao chất lượng truyền tải, cung cấp điện. Có thế mới bớt tổn thất điện, phản ánh đúng giá thành điện, và người tiêu dùng không bị thiệt do điện đóm chập chờn.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên