11/11/2012 08:30 GMT+7

Nghe tin vui mà băn khoăn

ĐỖ MẠNH HÙNG (phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội) V.V.THÀNH ghi
ĐỖ MẠNH HÙNG (phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội) V.V.THÀNH ghi

TT - Hà Nội được chọn tổ chức Asiad 2019. Lẽ thường, nghe việc được chọn đăng cai Á vận hội là một tin vui. Vì chắc là được bạn bè tin tưởng, rồi phong trào và chất lượng hoạt động thể dục thể thao nước nhà cũng phải đạt cấp độ nào đó thì mới được đăng cai. Nhưng nghe tin vui, song lại không thấy thật sảng khoái mà lại thấy băn khoăn.

Lâu nay Quốc hội không có tài liệu nào nói rằng Chính phủ có một đề án đăng cai Asiad như thế. Vậy nên sau khi đọc thông tin trên báo, băn khoăn thứ nhất là dự kiến gói đề án đăng cai Asiad trị giá 150 triệu đôla, cần làm rõ xem 150 triệu đôla này có nguồn như thế nào, cách thức chi ra sao để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật và đặc biệt là không phát sinh?

Băn khoăn thứ hai là trên thế giới đã có không ít bài học về việc đăng cai các sự kiện thể thao lớn. Điển hình nhất là Hi Lạp với việc đầu tư “khủng” cho Thế vận hội Athens năm 2004 và tiếp đó là một thời kỳ nợ công rất cao. Tất nhiên việc đăng cai Thế vận hội không phải là toàn bộ nguyên nhân, nhưng không phải ngẫu nhiên mà khi tìm hiểu các thông tin xung quanh việc Hi Lạp vỡ nợ thì chúng ta đều thấy ít nhiều có đề cập đến Thế vận hội này.

Mà nếu như bài học Hi Lạp ở xa quá thì ngay trong châu lục của chúng ta, ngay với việc đăng cai tổ chức Á vận hội, thông tin tổng hợp từ báo chí cho hay nếu tính toán về mặt chi phí đơn thuần thì nước chủ nhà thường phải đầu tư rất lớn để tổ chức Asiad nhưng nguồn bù đắp lại rất khó khăn. Một thông tin “giật mình” là chi phí đầu tư cho Asiad không đơn giản một hai trăm triệu đôla. Như Asiad 17 diễn ra tại thành phố Incheon (Hàn Quốc) vào năm 2014 có tổng chi phí ước tính vào khoảng 1,62 tỉ USD! Trước đó Asiad 14 diễn ra tại Busan (Hàn Quốc) cách đây đã 10 năm cũng có tổng chi phí vài tỉ đôla. Một điều đáng lo ngại là tình trạng chi phí phát sinh so với dự toán. Ví dụ như báo cáo của thành phố Incheon về khoản đầu tư cho Asiad 17 cho hay chi phí thực tế tăng lên khá nhiều so với ước tính ban đầu, có số liệu nói tăng tới 110%.

Nhìn ra thế giới để thấy rằng việc tổ chức một sự kiện thể thao lớn là “vinh dự” đi kèm với “trách nhiệm” nặng nề. Đó cũng chính là lý do vì sao Chính phủ, các bộ ngành có liên quan và TP Hà Nội nên báo cáo thông tin kỹ hơn về việc đăng cai tổ chức Asiad 2019, để qua đó Quốc hội có cơ sở giám sát.

Những ngày vừa qua, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm nay, có một số chỉ tiêu quan trọng không đạt được, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế và tỉ lệ giảm hộ nghèo. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn khi thực hiện lộ trình tăng lương. Rồi các thách thức khác mà nhiều vị đại biểu đã nêu lên trên diễn đàn Quốc hội như nợ xấu, hàng tồn kho... Tất cả những bộn bề đó của đất nước đều đòi hỏi nguồn lực rất lớn để giải quyết. Đón nhận thông tin đăng cai Asiad trong bối cảnh như vậy, không băn khoăn sao được?

Dù sao nước ta đã trở thành chủ nhà Asiad 2019. Tới đây bạn bè quốc tế sẽ nhìn vào hình ảnh Việt Nam lần đầu tiên tổ chức một kỳ thể thao tầm cỡ châu lục. Dẫu còn băn khoăn cũng phải thấy rằng vấn đề trong những năm tới là làm sao để thật sự tổ chức được một kỳ Á vận hội trang trọng, hiệu quả, tiết kiệm. Đây chắc là câu chuyện không đơn giản. Đúng là niềm vui chưa trọn thì băn khoăn đã nối tiếp băn khoăn.

ĐỖ MẠNH HÙNG (phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội) V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên