15/10/2004 08:47 GMT+7

Con ông cháu cha

NGUYÊN LÂM
NGUYÊN LÂM

TT - Trường hợp của Mai Thanh Hải, con trai thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu, trong vụ án quota làm chúng ta nghĩ đến điều mà trong dân gian gọi là “con ông cháu cha”.

Cụm từ “con ông cháu cha” chỉ một lớp người, năng lực làm việc không có nhưng lại nhờ thần thế bố mẹ, họ hàng, “cánh hẩu”, nhờ quan hệ huyết thống, quen biết, gửi gắm nên chiếm giữ các vị trí “béo bở” trong bộ máy công quyền. Họ kiếm được những khoản tiền khổng lồ một cách rất dễ dàng nên càng hợm hĩnh, hãnh tiến hơn. Họ làm ô nhiễm môi trường xã hội, nhất là tác động xấu đối với lớp trẻ. Bởi lẽ dạng người này vô hình trung đã thành những “tấm gương rất hấp dẫn” cho nhiều người trong lớp trẻ: không cần năng lực, cố gắng vẫn có thể hưởng thụ tột bậc một cách dễ dàng! Tiếp đó, “con ông cháu cha” còn đưa đến một vấn nạn. Nạn này khiến các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước khó mà tuyển dụng được người có năng lực, vì các vị trí làm việc đã có chủ hết rồi, lấy đâu chỗ cho người ngoài. Người ngoài mà có may mắn lọt vào thì sau một thời gian cũng sinh ra chán nản vì các động lực làm việc bị triệt tiêu, từ cơ hội thăng tiến, lương bổng, quan hệ làm việc, cho đến sự đánh giá của lãnh đạo. Nó cũng sinh ra bè cánh, đấu đá lẫn nhau, làm vẩn đục, trì trệ môi trường công sở.

Hơn thế, nạn “con ông cháu cha” vừa là hậu quả, vừa là nguyên nhân sinh ra vấn nạn khác là tham nhũng, khiến cho chống tham nhũng vô cùng khó. Các vụ tham nhũng lâu nay bị đưa ra ánh sáng đều là do bên ngoài chứ có vụ nào các ngành, cơ quan tự phát hiện. Bởi thói đời người ta hay chùn tay khi phải trảm “người nhà”, “người mình”, hoặc sợ “rút dây động rừng” vì cùng dây với nhau.

Tại nhiều nước đang phát triển, giống như VN, quan hệ huyết thống len sâu vào các quan hệ quyền lực công, khiến nạn tham nhũng có đất hoành hành. Ngay cả ở những nước phát triển cao như Ý, Hàn Quốc, công chức, quan chức có thu nhập đủ để không nghĩ đến “kiếm chác” thêm từ vị thế của mình, thì việc để quan hệ huyết thống lấn át chuyện công quyền cũng khiến tham nhũng nảy nở. Để thay đổi tâm lý hàng đời nay, đòi hỏi thời gian rất dài nhưng không có nghĩa là không thay đổi được.

Trong khi kiên trì thay đổi dần ý thức, tâm lý của xã hội thì điều đầu tiên cần làm là phải áp dụng những biện pháp phòng ngừa, không để quan hệ họ hàng, thân quen, “con ông cháu cha” có cơ lấn át việc công. Cụ thể là không nên bố trí, sắp xếp những người cùng họ hàng, thân quen vào những vị trí, công việc, vụ việc có thể mang lợi ích riêng cho nhau.

Không để xảy ra những trường hợp quá chướng tai, gai mắt như: con làm việc tại một bộ phận, giải quyết một loại công việc do bố phụ trách; hoặc con tham gia đấu thầu một vụ mà bố lại có tiếng nói quyết định.

NGUYÊN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên