Ông Sơn nói rằng “trình độ khi đó chỉ có vậy” và “chúng tôi có trích dẫn lại các trích dẫn của tác giả Lê Trần Chấn trích dẫn từ các kinh nghiệm quốc tế”!
Thông tin liên quan đến động đất kích thích ghi trong báo cáo đánh giá tác động môi trường Sông Tranh 2 được xào nấu khá gọn gàng không may bị báo chí phanh phui đã trở thành đề tài bàn luận khắp nơi. Nhiều người trong giới khoa học sau khi nghe xong đã cười mỉm cho rằng “chuyện nhỏ” bởi “kiểu đó nhiều lắm, chẳng qua không ai để ý mà thôi”. Quả đúng là việc xào nấu các ý tưởng, thậm chí copy nguyên cả một đoạn báo cáo dài của người khác làm của mình, xảy ra khá nhiều trong các báo cáo nghiên cứu khoa học ở nước ta...Và đoạn copy ý tưởng của tác giả Lê Trần Chấn vào trong báo cáo đánh giá tác động môi trường Sông Tranh 2 cũng không nằm ngoài “trào lưu” đó.
Nhưng điều mà nhiều người tức giận là đoạn copy trên đã không chỉ qua mặt những người làm khoa học chân chính, qua mặt các thành viên trong hội đồng thẩm định cấp nhà nước, mà nguy hiểm hơn là đã coi thường mạng sống của hàng vạn người dân vùng hạ lưu.
Khi chấp bút viết nên báo cáo đánh giá tác động môi trường Sông Tranh 2, những người làm công tác nghiên cứu khoa học ở Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 có nghĩ rằng những điều mà họ viết ra sẽ là “kim chỉ nam”, giúp tư vấn cho những người có trách nhiệm liên quan biết được những ưu, khuyết điểm về môi trường sống trong vùng sau khi dự án hình thành. Và nếu khi đó, họ tư vấn sớm rằng: sau khi hồ tích nước, vùng Trà My sẽ xảy ra động đất kích thích thì có lẽ cả người dân lẫn chính quyền sở tại đã không rơi vào cảnh “ngồi trên đống lửa” như bây giờ.... Chính sự vô trách nhiệm, coi thường mạng sống của những người làm khoa học nói trên đã đẩy hàng vạn người dân vô tội Quảng Nam rơi vào cảnh “thức trắng đêm” suốt mấy tháng trời.
Rồi người dân xứ Quảng cũng đã “tỉnh” sau gáo nước lạnh mà ông Nguyễn Tài Sơn vừa giội xuống. Bước ra khỏi phòng họp sáng 28-9, một cán bộ lãnh đạo huyện Bắc Trà My cười chua chát khi nhắc lại câu nói từng gây “sốc” của ông Lưu Thế Biểu (phó Ban quản lý xây dựng Tập đoàn điện lực VN tại cuộc làm việc với tỉnh Quảng Nam ngày 12-9) rằng: “Chính quyền và người dân Quảng Nam phải tin vào các nhà khoa học, phải tin vào những thành quả mà các nhà khoa học đã cất công nghiên cứu, đánh giá về Sông Tranh 2”...
Và những gì đã và đang xảy ra... trên thực tế thật chua xót, đã khiến niềm tin của người dân dần biến mất. Sự trích dẫn, đúng ra là copy, đã góp phần “nhân bản” sự hoang mang, gieo rắc nỗi sợ hãi nơi người dân trong vùng thủy điện Sông Tranh 2.
Là người có nhiều năm làm công tác quản lý, vậy mà giờ đây khi hỏi về động đất ở Sông Tranh 2, ông Lê Trí Tập (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) không ngần ngại nói: “Tôi thật sự băn khoăn là có nên tin vào các nhà khoa học vì họ nói không nhất quán gì cả. Trước sinh mệnh của hàng vạn người dân, tôi tha thiết đề nghị các nhà khoa học phải trung thực, khách quan và hết sức chính xác khi nhận định về những biến động địa chất ở thủy điện Sông Tranh 2”. Không nói ra, nhưng hàng vạn người dân xứ Quảng chắc cũng có một tâm niệm đơn giản như ông Tập vậy thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận