Chưa thấy ai phạt cả nên mới có tình trạng nhiều người dân vẫn thiếu ý thức, vô tư quăng rác xuống dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM). Phóng viên của Tuổi Trẻ chỉ cần đi hơn hai ngày cũng đã “chộp” được hàng chục trường hợp dân vứt rác, đổ xà bần xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Từ anh buôn bán vặt đến người dân địa phương, công nhân xây dựng và thậm chí có cả một người đàn ông mặc đồng phục của Công ty TNHH một thành viên Công trình cầu phà TP.HCM cũng vô tư trút rác xuống dòng kênh.
Họ vô tư xả rác bởi không sợ bị phạt. Đó là chuyện ở ta. Còn ở Mỹ, chúng tôi từng đọc một câu chuyện được đăng trên tờ Daily Mail hồi tháng 5-2012 về việc cảnh sát thành phố Cleveland (tiểu bang Ohio, Mỹ) đã phạt một người đàn ông vì tội xả rác bừa bãi, khi ông này để rơi một tờ 1 USD xuống đường. Mà theo lời kể, người đàn ông gặp một người ăn xin bên vệ đường và tấp xe vào, khi đưa cuộn tiền lẻ ông vô tình đánh rơi tờ 1 USD xuống đường và người ăn xin cũng nhặt tờ tiền lên. Thế nhưng ngay sau đó cảnh sát chặn xe người đàn ông lại và đưa giấy phạt vì tội “vứt giấy ra ngoài cửa sổ - cụ thể là tiền cho người ăn xin”.
Hay Singapore, không phải ngẫu nhiên mà đảo quốc này được mệnh danh là TP sạch nhất thế giới. Để có được Singapore sạch như hôm nay, chính quyền nước này đã phải ban hành những đạo luật xử lý nghiêm việc xả rác bừa bãi. Người dân vi phạm xả rác lần đầu bị phạt “mút khung” 1.000 đôla Singapore, tái phạm sẽ tăng lên 2.000-5.000 đôla và phải lao động công ích nơi công cộng. Khi đó giới truyền thông địa phương còn được mời đến để đưa tin về sự kiện “lao động công ích” nữa. Có luật và thi hành luật nghiêm khắc, không nể nang bất cứ ai. Nhờ đó, Singapore đạt danh hiệu sạch nhất thế giới.
Ở ta có luật không? Có. Việc xử phạt hành vi xả rác bừa bãi có nêu trong nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ, quy định rõ mức phạt từ 100.000-300.000 đồng. Mới đây, cuối tháng 7, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo chủ tịch UBND các quận huyện xử lý triệt để tình trạng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
Thế nhưng các cấp chính quyền địa phương đã “xử lý triệt để tình trạng xả rác bừa bãi” ra sao để mà chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM Đặng Văn Khoa phải thốt lên: “Tôi rất xấu hổ và mắc cỡ cho dân tộc mình”. Ông Khoa cho biết đã đi thị sát nhiều lần dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và chứng kiến biết bao trường hợp người dân vô tư xả rác xuống dòng kênh. “Mình đã bỏ rất nhiều tiền để giải tỏa, xây dựng, mong kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xanh đẹp hơn thì không cớ gì để tiếp tục tái diễn hành vi xả rác của người dân xuống nơi này” - ông Khoa nói.
Thật ra chính quyền địa phương, những nơi quản lý địa bàn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cũng nói chẳng khác gì ông Khoa, chẳng khác gì chỉ đạo từ cấp trên. Có điều họ bảo không bắt tận tay được những trường hợp xả rác bừa bãi xuống kênh. Về chuyện này, chúng tôi xin nhắc lại, hai phóng viên Tuổi Trẻ “cưỡi ngựa xem hoa” trong hai ngày cũng chộp được cả chục trường hợp!
Vì vậy, quan trọng là có muốn làm thật hay không mà thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận