08/09/2012 08:30 GMT+7

Còn "bói" động đất đến bao giờ?

TUẦN PHÙNG
TUẦN PHÙNG

TT - “Nếu không có máy siêu âm, máy chụp, máy xét nghiệm thì bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh bằng quan sát biểu hiện lâm sàng, bằng kinh nghiệm. Còn nhà chuyên môn không có thiết bị quan trắc thì không thể có số liệu tính toán tìm nguyên nhân động đất được.

Không có thiết bị theo dõi để thu thập số liệu nên chỉ có cách phỏng đoán dựa trên lý thuyết, thực tế từng xảy ra ở nơi khác để lý giải nguyên nhân động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2”. Sự thẳng thắn thừa nhận “lực bất tòng tâm” như trên của một nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu động đất khiến không ít người phải giật mình.

Nói là giật mình vì độ an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn còn bị dư luận băn khoăn, sau khi các bên liên quan công bố kết quả chống thấm và thẩm định chất lượng. Lý do là việc kiểm định được thực hiện trước khi xảy ra những trận động đất mạnh liên tục như trong mấy ngày vừa qua. Và động đất nhiều hơn, mạnh hơn nhưng các nhà khoa học chịu trách nhiệm nghiên cứu, công bố thông tin về động đất đến nay cũng chưa thể khẳng định chắc chắn nguyên nhân động đất do yếu tố nào gây ra vì họ không có số liệu.

Hơn nửa năm trước, Viện Vật lý địa cầu đã khảo sát thực địa khu vực Bắc Trà My khi có động đất xảy ra tháng 11-2011 và đã có những báo cáo kỹ thuật chi tiết, kiến nghị rõ ràng: phải thiết lập mạng lưới trạm quan trắc địa phương đặt tại khu vực lân cận hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 để ghi nhận số liệu, tính toán, tìm hiểu động đất một cách có cơ sở và chính xác. Theo đó, viện đề xuất lắp đặt năm trạm quan trắc, mỗi trạm cách nhau 20km trong khu vực này với kinh phí khoảng 2 tỉ đồng, nhưng đề nghị này đến nay vẫn chưa thể triển khai. Hơn nửa năm trôi qua, những nhà khoa học có trách nhiệm trong việc báo tin cảnh báo động đất cho quốc gia vẫn phải đưa ra những nhận định nước đôi về nguyên nhân động đất vì không đủ số liệu từ thực tế để đánh giá.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) - cho biết qua theo dõi từ giữa năm 2011 đến nay, động đất ở khu vực Bắc Trà My xảy ra với tần suất tương đối thường xuyên và độ lớn của động đất có xu thế tăng lên. Dù vậy, cá nhân ông hay Viện Vật lý địa cầu cũng chưa thể đưa ra kết luận động đất do kích thích hồ chứa hay hoạt động của đứt gãy gây ra khi không triển khai được mạng lưới các trạm quan trắc để có số liệu xác thực. Trong khi đó, người dân địa phương không khỏi hoảng sợ, bất an khi liên tục đối mặt với động đất nhưng chưa ai có thể giải thích đúng nguyên nhân và có khuyến cáo đúng đắn cho họ.

Số tiền 2 tỉ đồng để có các trạm quan trắc ngay tại khu vực Bắc Trà My không phải là quá lớn so với sự an toàn sinh mạng của người dân và công trình thủy điện Sông Tranh 2. Nó cũng quá nhỏ so với số tiền đầu tư vào bến cảng, sân bay hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng khai thác không hiệu quả.

Một điều đáng buồn nữa là dự án nâng cấp mạng lưới quan trắc động đất tại Việt Nam với mục tiêu lắp đặt xong 36 trạm quan trắc động đất trên cả nước vào năm 2012 đến nay cũng phải giảm còn 30 trạm và lùi tiến độ đến năm 2015 vì thiếu kinh phí. Vì vậy, để ghi nhận động đất ở Bắc Trà My trong những ngày gần đây, Viện Vật lý địa cầu phải sử dụng trạm quan trắc đặt ở Bình Định. Còn trạm quan trắc ở Huế thuộc chương trình hợp tác với Đài Loan cũng không truyền được số liệu tức thời trong trận động đất đêm 3-9 vì cấp điện phập phù. Và nếu có hoạt động được như mong muốn thì cả hai trạm quan trắc ở Bình Định và Huế cũng không cung cấp được số liệu đầy đủ vì không ghi nhận được những trận động đất nhỏ do trạm nằm quá xa nơi xảy ra động đất.

Việc có thể làm ngay để có những đánh giá chính xác về động đất ở Bắc Trà My mà vẫn không thực hiện được thì không hiểu những mục tiêu nghiên cứu to tát, kịch bản hoành tráng ứng phó với những hiểm họa trong tương lai sẽ được tiến hành thế nào?

Thiết bị quan trắc động đất còn kẹt ở... Nội Bài

Chiều 7-9, ông Vũ Đức Toàn - phó trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3 - cho biết đến thời điểm hiện tại, thiết bị quan trắc động đất lắp đặt bên trong thân đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn còn bị kẹt tại cảng sân bay Nội Bài từ tháng 6 đến nay chưa thông quan được. Lý do là Công ty TNHH Techcom Life Technologies VN (đơn vị nhập khẩu lô hàng này) đang nợ thuế một lô hàng trước đó.

Ông Toàn cho biết hiện việc quan trắc tại Sông Tranh 2 được thực hiện bằng thiết bị cầm tay. Nếu gói thiết bị trên được thông quan sớm sẽ giúp việc quan trắc hiện trường nhanh, dễ dàng hơn vì khả năng tích hợp cao và chuẩn xác hơn. Cũng theo ông Toàn, những vết sạt lở nằm ở vai trái của thân đập cũng như những rọ đá đang được sắp xếp trên mặt đường nằm trong kế hoạch gia cố vai trái của thân đập Sông Tranh 2 đã được phê duyệt từ tháng 7-2012, hoàn toàn không liên quan đến những dư chấn vừa qua.

ĐĂNG NAM

TUẦN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên