16/08/2012 09:10 GMT+7

Công bằng và nghiêm ngặt hơn

HOÀNG TUYẾT
HOÀNG TUYẾT

TT - Sự kiện nhiều tỉnh, thành đã và đang công bố không tuyển công chức - viên chức tốt nghiệp đại học hệ tại chức (còn gọi là hệ vừa làm vừa học) ít nhất mang đến cho xã hội hai thông điệp lớn.

Hệ tại chức: đứa con bị từ chốiHệ tại chức: không tuyển thì đào tạo làm gì?

Một, đó là lời cảnh báo mạnh mẽ về chất lượng đào tạo của hệ tại chức. Trình độ đầu vào không cao, mức độ tập trung cho việc học của sinh viên tại chức thấp do họ phải lo công việc và gia đình. Tâm lý xuê xoa của đội ngũ giảng viên đối với sinh viên vừa học vừa làm có xu hướng dẫn đến tình trạng dễ dãi với chất lượng đầu ra. Do đó, kiến thức và kỹ năng hành nghề nền tảng của người học hệ tại chức đạt được không làm người sử dụng lao động yên tâm, tin tưởng.

Thông điệp thứ hai là nỗ lực và quyết tâm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngày càng chất lượng hơn của nhiều địa phương nhằm triệt tiêu tình trạng “con ông cháu cha” chỉ cần học cho có bằng đại học, dù bằng thế nào, cũng xin được vào cơ quan nhà nước làm việc.

Với hai thông điệp này, người có lương tri và tâm huyết với tiền đồ phát triển của nước nhà không thể không ủng hộ.

Thế nhưng, nếu nói “không” quyết liệt với hệ tại chức thì có lẽ chúng ta đang tự thể hiện rằng mình “sính bằng cấp”, bất chấp thực lực của người học. Hãy tạo nên một cơ chế và phương thức tuyển dụng sao cho các ứng viên, dù bằng cấp nào cũng phải và cũng được bộc lộ các năng lực và phẩm chất thực tế thích hợp với công việc sẽ đảm trách. Trên thực tế, dễ thấy không phải sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy nào cũng có thể làm việc hiệu quả. Và cũng dễ thấy không phải sinh viên hệ tại chức với nhiều trải nghiệm trong công việc cũ, với ý chí thay đổi cho một nghề nghiệp khác tươi đẹp hơn lại làm việc kém hiệu quả hơn sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy.

Hơn nữa, việc từ chối lớp thanh niên học tại chức chưa có việc làm này đang ngấm ngầm hình thành một tảng băng bất công trong giáo dục và xã hội. Đó là đội ngũ công nhân viên chức đang làm việc, đi học tại chức để nâng cao trình độ. Khi tốt nghiệp đại học hệ này, họ trở về công việc của mình với mức lương cao hơn và vị trí công việc tốt hơn. Trình độ và chất lượng làm việc của họ không bị phủ nhận sau khi tốt nghiệp đại học hệ tại chức. Nghĩa là chúng ta đang tự cho rằng chất lượng đào tạo hệ tại chức ở đội ngũ đang làm việc khác với chất lượng đào tạo ở đội ngũ chưa có việc làm?

Sự bất cập và bất công trong giáo dục ấy hơn lúc nào hết đòi hỏi chất lượng và cơ chế đào tạo đại học hệ tại chức nhất định phải thay đổi. Thay đổi theo chiều hướng phát triển của hệ thống giáo dục hệ vừa làm vừa học của nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện. Tức là quá trình bảo đảm chất lượng đào tạo hệ vừa làm vừa học không khác biệt so với chất lượng đào tạo hệ chính quy. Chúng ta không hướng đến triệt tiêu sự phân biệt giữa chính quy và không chính quy, mà hướng đến làm cho chất lượng đào tạo của các chương trình hệ vừa làm vừa học gần hoặc ngang bằng hệ chính quy.

Điều này nhất thiết phải được thực hiện vì hệ thống giáo dục vừa làm vừa học vốn tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời, có thể đáp ứng được các đòi hỏi của công việc và gia đình, đạt đến các mục tiêu giáo dục mà không phải hi sinh công việc hoặc thời gian với gia đình. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy xu thế đại chúng hóa giáo dục đại học không có cách nào khác là phải thông qua việc phát triển hệ giáo dục vừa làm vừa học.

Để thực hiện được quá trình trên, không chỉ các chương trình đào tạo hệ chính quy mà chương trình hệ tại chức của các trường cũng phải được kiểm định và công nhận, thậm chí phải nghiêm ngặt hơn trong tiêu chuẩn đầu ra nhằm giúp sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được cơ chế và phương thức tuyển dụng thực tiễn của các nhà sử dụng lao động hiện nay. Trong tiến trình nâng cao chất lượng đào tạo này, việc công bố chính thức các chương trình đào tạo hệ chính quy và tại chức từ cơ quan có thẩm quyền là một điều cấp bách cần thực hiện.

Đồng thời, cần có sự phối hợp với nhà tuyển dụng để thiết lập một tuyên bố chung cho người học biết chương trình đào tạo tại chức của trường nào sẽ được cơ quan tuyển dụng nào (bao gồm cả nhà nước và tư nhân) tin cậy và tuyển chọn. Nhờ vậy, người học có thể chọn lựa chương trình học tại chức một cách thỏa đáng.

Tất nhiên, việc phát triển quy mô và cơ cấu ngành nghề đào tạo hệ tại chức cũng cần được triển khai khắt khe trên cơ sở việc khảo sát nhu cầu lao động của địa phương, tuyệt đối tránh kiểu để các cơ sở giáo dục - bồi dưỡng liên kết đào tạo đại học tại chức tràn lan mang hơi hướng “thương mại hóa”, tạo nên những lớp thanh niên tốt nghiệp hệ đào tạo này sống một cuộc đời mặc cảm thất bại vì ít có cơ hội làm việc.

HOÀNG TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên