04/08/2012 22:06 GMT+7

Lịch sử hào hùng tạo nên thương hiệu võ Việt

TRƯỜNG ĐĂNG
TRƯỜNG ĐĂNG

TTO - “Ai về Bình Định mà coi. Con gái Bình Định múa roi đi quyền”. Múa roi đi quyền ở Bình Định là một hình ảnh quá đỗi bình thường. Ấy vậy mà, những người Bình Định như chúng tôi lại rạo rực khó tả khi đi xem múa roi, đi quyền diễn ra rộn rịp những những ngày vừa qua.

Khai mạc Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền VN

wlKuqvjX.jpgPhóng to
Các đoàn tụ hội trong ngày khai mạc Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định - Ảnh: TĐ

Vâng, không rạo rực sao được khi những bài roi, bài quyền của cha ông được biểu diễn không phải từ những chàng trai, cô gái Việt; không phải là những lão võ sư tiên phong đạo cốt, mà chính là những ông tây mắt xanh mũi lõ!

Hơn một tuần nay, khắp đường phố Quy Nhơn đến các ngõ xóm của những làng võ ở Bình Định xuất hiện rất đông người với nhiều màu da khác nhau đến từ nhiều quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Họ mặc đồng phục võ Ta, tay cầm các loại binh khí Ta háo hức, rạo rực tham gia Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV tại Bình Định.

Thành phố biển Quy Nhơn chộn rộn hẳn lên, khi có gần 750 võ sinh từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ đã hội tụ về Bình Định tham gia liên hoan. Liên hoan diễn ra chỉ 3 ngày nhưng chuyến đi của họ là cả một câu chuyện dài về quá trình học luyện, tìm hiểu sâu rộng văn hóa Việt qua các thế võ, các câu chuyện kể về đất nước giàu truyền thống võ và có người còn học cả tiếng Việt. Những ngày tác nghiệp, chúng tôi thường nghe câu “Xin chào”, “Cảm ơn” lơ lớ nhưng rất đỗi thân thiện.

Anh Gerard (23 tuổi, người Pháp) lần đầu tiên đến Việt Nam háo hức: “Đây là một lễ hội mà rất nhiều môn đệ trong Tinh võ đạo mong muốn tham gia để thể hiện nét độc đáo của môn phái của mình trong một liên hoan có tầm cỡ Quốc tế. Tôi đến Bình Định trước một tháng để chờ đợi sự kiện này”.

Còn Hélène Trần là một diễn viên ở Pháp tạm gác lại công việc đóng phim của mình để về tham dự liên hoan. Bé Fegrerico (vương quốc Bỉ) mới 9 tuổi đã có bề dày 5 năm học võ Việt cũng tạm nghỉ học để đến Việt Nam. Nicolas Porter (Pháp), môn đệ đại võ sư Huỳnh Anh Hải môn phái Giao long võ đạo được sáng lập từ những tinh hoa võ Tây Sơn (Bình Định), hay Philippe (Pháp) môn phái Võ cổ truyền và rất nhiều người chúng tôi gặp đã đến Bình Định tham gia liên hoan võ nhiều lần. Họ rất háo hức được thể hiện tinh hoa môn phái mình ở một sân chơi lớn.

Rạo rực, háo hức không chỉ ở các võ môn nước ngoài mà các làng võ Bình Định cũng rộn ràng. Võ đường Phan Thọ, Hồ Sừng, Lý Xuân Hỷ, chùa Long Phước… là những tụ điểm mà người dân chờ đợi để xem những tinh túy nhất của võ cổ truyền dân tộc. Những tràng vỗ tay kéo dài bất tận, những lời khen ngợi hết lời.

Vì sao liên hoan võ Việt lại thu hút gần 750 võ sinh người nước ngoài tham dự? Một sự tham dự mà họ tâm sự rằng chính là “tìm về” chứ không phải “tìm đến”. Chính lịch sử hào hùng ngàn năm chống ngoại xâm, với những cái cày, cái cuốc, cây gậy tre…, những vật dụng thường ngày gắn bó với lao động sản xuất, cũng đã được sáng chế thành những bài võ độc đáo để quật ngã giặc ngoại bang. Chính sự độc đáo đó đã tạo nên thương hiệu võ Việt, và thu hút đông đảo người ngoài đến với võ Việt.

Chỉ tiếc rằng, một liên hoan lớn như thế, được đầu tư không ít tiền (27 tỷ đồng) nhưng lại chưa được quảng bá tốt để chính người Việt của các nơi khác biết. Những nhà tổ chức không giấu diếm mục đích, đó là nhắc đến Đà Lạt thì có Festival hoa, nhắc đến Đà Nẵng có lễ hội pháo hoa, và nhắc đến Bình Định thì phải nhớ đến Liên hoan võ cổ truyền quốc tế. Tuy nhiên, lượng du khách đến Bình Định những ngày qua hơi ít, nên ban tổ chức cũng tránh khi được hỏi về con số khách du lịch đến vì liên hoan.

TRƯỜNG ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên