21/07/2012 08:05 GMT+7

Nhân lực biển phải đi trước

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Không khí hội thảo về tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản (do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ngày 19-7 tại Hà Nội) trầm xuống khi một chuyên gia đặt câu hỏi: “Chúng ta đang nỗ lực đầu tư tiền tỉ để từng bước hiện đại hóa tàu cá, nhưng rồi đây ai sẽ điều khiển những con tàu mới đó?”.

Người đặt câu hỏi này là ông Chu Tiến Vĩnh (nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản). Ông Vĩnh nêu một ví dụ: “Hiện nay có chủ trương thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu khai thác hải sản xa bờ tại tỉnh Quảng Ngãi. Đây sẽ là những con tàu bọc thép với trang thiết bị hiện đại, đòi hỏi người điều khiển phải có trình độ tương ứng. Chỉ với kinh nghiệm dân gian thì không thể một sớm một chiều ngồi lên điều khiển được, mà ngư dân ta phần lớn lại được đào tạo theo phương thức cha truyền con nối”.

Biển bạc mênh mông đang là sinh kế cho hơn 700.000 ngư dân Việt lao động trực tiếp trên biển. Bằng bàn tay, khối óc, mồ hôi và cả máu của mình, họ không chỉ nuôi sống gia đình mà mỗi năm còn đem về cho đất nước trên dưới 2 tỉ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu từ khai thác hải sản.

Tuy nhiên, dự thảo đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản của Bộ NN&PTNT cho thấy bức tranh về lao động khai thác hải sản đang có những gam màu mà bất cứ ai quan tâm đến kinh tế biển nhìn vào cũng phải trăn trở. Đó là thực trạng đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng hầu hết ít được đào tạo qua trường lớp chính quy, thiếu các kiến thức cơ bản để có thể sử dụng được các thiết bị hàng hải, khai thác; thiếu các kiến thức về Luật hàng hải để có thể hoạt động khai thác ở những vùng biển quốc tế.

Cụ thể hơn, trong số các lao động khai thác hải sản hiện nay, có tới 8,4% mù chữ, 55,2% tốt nghiệp tiểu học, chỉ có 34,5% tốt nghiệp THCS, 1,9% tốt nghiệp THPT và 0,1% được đào tạo qua các trường đại học và trung học chuyên nghiệp.

Sự thật từ những số liệu thống kê đó góp phần lý giải vì sao số tàu cá hiện đại mà ngư dân Việt làm chủ chưa nhiều. Nói như ông Chu Tiến Vĩnh là câu chuyện đâu chỉ nằm ở vốn đầu tư và khát vọng ra khơi, mà còn ở khả năng tiếp cận và làm chủ những công nghệ mới nhất liên quan đến nghề cá nói chung và tàu khai thác nói riêng.

Thật khó để vươn ra khơi xa nếu thiếu những đội tàu cá hiện đại. Nhưng cũng không dễ để đóng tàu mới xong là đi biển được. Bài học từ dự án đánh bắt xa bờ trước đây cho thấy đâu phải cứ tung vốn ưu đãi đóng tàu là thành công. Muốn có hiệu quả kinh tế cần có cách làm đồng bộ hơn, bên cạnh các vấn đề liên quan đến con tàu, con cá... cần quan tâm đúng mức đến con người bao gồm cả người hoạch định chính sách, chuyên gia nghiên cứu và lao động trực tiếp trên biển.

Luật biển Việt Nam vừa được công bố, trong đó khẳng định Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển sáu nhóm ngành kinh tế biển, xét theo thứ tự thì “xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển” đứng thứ sáu. Có một chân lý từ bao đời nay là “con người quyết định tất cả”. Như vậy muốn “đi nhanh” tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trong đó có hiện đại hóa tàu cá, không thể “làm chậm” việc phát triển nguồn nhân lực biển. Xếp thứ tự phía sau nhưng phải làm trước là vì vậy.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên