Cũng giống những lần trước, thương lái Trung Quốc đang mua khóm với giá cao hơn giá thị trường và chỉ chọn loại to, còn xanh để mua.
Thương lái Trung Quốc lại bỏ rơi... dứa
Và cũng không có gì ngạc nhiên khi nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực gom hàng bán cho thương lái Trung Quốc thay vì bán cho nhà máy chế biến tại địa phương. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, thương lái Trung Quốc lại lặn mất tăm để nhiều người dân phải “khóc ròng” vì trót ôm hàng.
Không thể coi việc thương lái Trung Quốc đến tận ruộng VN mua gom nông sản rồi đưa về nước trong một thời gian dài là điều bình thường trong thương mại tự do. Càng không thể coi hàng loạt vụ quỵt nợ khi thương lái Trung Quốc lật kèo, hoặc một đi không trở lại để người dân lãnh mọi hậu quả là cái giá phải trả khi trước đó chính họ đổ xô đi trồng.
Trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương ở đâu khi họ để thương lái Trung Quốc tùy tiện buôn bán trên địa bàn mà họ quản lý? Bên cạnh chính quyền, tại các địa phương đều có nhiều tổ chức gắn liền với người dân như hội nông dân, hội làm vườn..., nhưng các hội này chưa phát huy vai trò khuyến cáo hay hỗ trợ nông dân.
Để tránh những chuyện đáng tiếc lặp lại, chính quyền địa phương cần phải kiểm soát được những thương lái nước ngoài để buộc họ làm ăn theo đúng pháp luật VN, đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng và hạn chế rủi ro cho nông dân. Các tổ chức đoàn thể tại địa phương phải góp sức khuyến cáo bà con nên buôn bán có hợp đồng, không chạy theo phong trào để rồi tiền mất tật mang.
Nông nghiệp VN vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, người dân vẫn tự lo đầu vào và đầu ra. Với đầu ra, hàng hóa hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái thì đâu cứ thương lái nước ngoài mới ép giá mà thương lái trong nước cũng vậy. Không thể trách nông dân vì sau bao ngày chăm sóc ai cũng muốn bán sản phẩm của mình với giá cao nhất, nhanh nhất. Một khi nhà máy chế biến nông sản trong nước không bắt tay liên kết với nông dân để xây dựng vùng trồng, bao tiêu đầu ra với giá cả hợp lý thì đừng nên trách sao nông dân bán cho thương lái Trung Quốc trong khi nhà máy mua không đủ nguyên liệu chế biến. Nếu không có ràng buộc thì bán cho ai cũng là bán, tất nhiên người dân sẽ chọn người trả giá cao hơn.
Đến nay, chính quyền địa phương nơi có thương lái Trung Quốc đến mua gom nông sản vẫn chỉ dừng lại ở mức độ khuyến cáo bà con nông dân cảnh giác trong buôn bán với thương lái nước ngoài. Cách làm này từ trước đến nay đều không có tác dụng, không kiểm soát được người mua là ai thì khi xảy ra tranh chấp người dân phải lãnh hết hậu quả.
Tất nhiên, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cũng khó có thể giúp từng nông dân riêng lẻ trong việc ký hợp đồng buôn bán với thương lái. Nhiều nông dân của VN còn chưa đọc thông viết thạo thì làm sao có đủ khả năng đàm phán hợp đồng. Do đó, rất cần thiết phải tổ chức lại sản xuất, liên kết nông dân vào các tổ chức hợp tác xã kiểu mới để tổ chức này đại diện cho nông dân đàm phán hợp đồng với các đối tác. Từ nhu cầu của khách hàng, hợp tác xã sẽ triển khai đến các xã viên để sản xuất theo hợp đồng. Có như vậy, sản phẩm của người dân làm ra được bao tiêu với giá cả hợp lý và quyền lợi của nông dân mới được đảm bảo trong trường hợp có tranh chấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận