Khó khởi tố vụ án thảm họa SêrêpốkXem những hình ảnh hiện trường vụ tai nạnXem những hình ảnh tang thương tại Bệnh viện Đắk Lắk
34 con người, phần lớn là trai tráng, chết tức tưởi cùng với gần 20 người mang thương tật trong tai nạn thảm khốc tại Đắk Lắk vừa qua phải trở thành tối hậu thư cho những ai có trách nhiệm về sinh mạng con người trên mọi nẻo đường thiên lý. Phải chăng năm nào cũng như năm nào, hơn chục ngàn người dân vô tội chết vì tai nạn giao thông vẫn chưa đủ làm chúng ta thức tỉnh?
Phải thức tỉnh vì những biện pháp đưa ra gần đây dù hình thức có vẻ quyết liệt nhưng khó thực thi, như quy trách nhiệm chủ tịch UBND tỉnh nếu xảy ra tai nạn giao thông, như hạn chế (không hiệu quả) ôtô, xe máy, như thu phí đè lên phí trên túi tiền người đi đường, như luôn tuyên truyền nhắc nhở ý thức, văn hóa giao thông của người dân đều tỏ ra không hiệu quả. Chứng cứ là số người thương vong vì tai nạn giao thông không hề giảm mà còn có chiều hướng tăng thêm.
Phải thức tỉnh để tìm những nguyên nhân đích thực của thảm họa định mệnh hằng năm này. Khi một hiện tượng xã hội được lặp đi lặp lại mà không thang thuốc nào làm thuyên giảm thì phải nghĩ tới một cái gì lớn hơn những nguyên nhân cục bộ vụn vặt.
Phải chăng đó là sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền đất nước tạo ra những làn sóng người ra Bắc vào Nam một cách bất thường, biểu hiện rõ nhất là dịp tết, dịp thi đại học với hàng triệu người tham gia giao thông, gánh nặng không hệ thống đường sá, phương tiện nào kham nổi. Phải chăng vì mê mải tìm lợi nhuận cho nhóm, cho cá nhân ở những miếng đất “vàng” trung tâm mà người ta qua mặt Bộ Xây dựng, đô thị hóa phi mã bằng những khối nhà cao tầng có tác dụng rõ rệt nhất là tăng dân số và gây ùn tắc. Phải chăng say sưa với con số tăng trưởng hào nhoáng mà người ta đã nhắm mắt xây dựng nhà máy, xí nghiệp, cửa hàng, siêu thị và cả trụ sở cơ quan, quên mất rằng trước hết, điều phải làm trước mọi thứ là đường giao thông cho con người sẽ đi về những nơi ấy. Thay vì làm đường rồi mới làm khu công nghiệp, người ta đã “trồng cây chuối ngược”: xây dựng, tuyển người trước khi làm đường!
Trực tiếp nhất và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất là sự tồi tệ của chất lượng cầu đường mà ai cũng nhìn thấy. Kỹ thuật làm đường hay cầu cống vốn xưa như Trái đất, thậm chí rất thành công trong chiến tranh với kỹ sư, công nhân ta nhưng lại được trình diễn như mới học việc, biểu hiện khắp mặt công trình lớn nhỏ như cầu Thăng Long, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cầu Văn Thánh và nhiều nơi khác. Có người nhận xét rằng hình như kỹ sư của ta chưa làm nổi một cái nắp cống đúng chuẩn, không gồ lên thì cũng tụt xuống mặt đường như cái bẫy!
Ý thức tôn trọng phép tắc và luật đi đường thì hết chỗ nói. Có thể lấy một ví dụ: bên cửa sổ những chiếc xe rất hiện đại của Hãng Văn Minh chạy đường Hà Nội - Cửa Lò có những cái giá để giắt búa đập kính xe thoát hiểm nhưng không còn búa. Hỏi thì được trả lời là hành khách lấy trộm hết rồi. Một hành động tự sát điển hình trong muôn màu muôn vẻ hành động tự sát trên đường thiên lý.
Nước mắt chỉ có thể làm tan nát lòng người nhưng không thể phá vỡ những tảng bêtông trì trệ khắp nơi. Ai cũng thấy, ai cũng biết, ai cũng kêu la. Nhưng nhà vẫn cao cao mãi nơi trung tâm thành phố, đường vẫn ổ gà, xe vẫn đâm nhau hay rơi vực, tàu hỏa vẫn cán ôtô chỗ giao lộ không có rào chắn...
Nước mắt chân cầu Sêrêpốk đang biến thành tiếng thét: “Hãy thức tỉnh cho một cuộc sống an toàn không nước mắt trên đường thiên lý!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận