Thủy điện Sông Tranh 2: vết trám dài phía thượng lưu
Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và cả cơ quan quản lý nhà nước luôn khẳng định đập an toàn, đồng thời cho rằng hiện tượng thấm chủ yếu qua khe nhiệt, trong khi nhiều chuyên gia đánh giá sự cố này rất nguy hiểm.
Các nhà khoa học đã có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện tâm huyết, sâu sắc, song có vẻ như không mấy cơ quan, đơn vị liên quan lắng nghe. Người nói cứ nói, người làm cứ làm. Thế nên cách xử lý hiện nay đối với sự cố Sông Tranh 2 được cho là không mấy tác dụng.
Và khi sự cố của Sông Tranh 2 còn chưa khắc phục xong thì những ai theo dõi phiên giải trình mới đây ở Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội về sự cố thủy điện Sông Tranh 2 lại một lần nữa bất ngờ với thông tin được GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy lợi, đưa ra. Bất ngờ bởi hóa ra VN chưa có quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật về đập bêtông đầm lăn, nên một số bộ ngành muốn xây dựng đành phải lấy ý kiến chấp nhận của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, mà theo Luật xây dựng thì hội đồng không có chức năng đó.
Dù đơn vị tư vấn giải thích Sông Tranh 2 áp dụng tiêu chuẩn kép của Mỹ và Nga nhưng liệu việc gắn mác tiêu chuẩn ngoại vào như vậy đã đủ để đảm bảo an toàn? PGS.TS Nguyễn Đăng Vang - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội - cảnh báo rằng “quy chuẩn kỹ thuật phải được cơ quan chức năng ban hành, không thể nói cứ lấy tiêu chuẩn nước ngoài là tốt”. Điều này hoàn toàn đúng vì theo Luật xây dựng, công trình xây dựng gắn liền với điều kiện tự nhiên của nơi xây dựng. Bêtông đầm lăn chỉ đạt chất lượng khi thi công ở nhiệt độ dưới 200C, do vậy phải cần có máy làm lạnh và bộ phận giám sát kỹ càng, nếu không đạt mẻ nào thì phải bỏ ngay. Trong điều kiện thực tế của VN, nhiệt độ ngoài trời ban ngày ở Quảng Nam vào mùa hè thường gần 400C, thậm chí trên 400C.
Cái “lỗ hổng” trong khâu quản lý nhà nước về thủy điện đã khiến không chỉ người dân sống ở hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2 đang lo lắng cho sự an nguy tính mạng, mà hàng triệu người dân đang sống ở hạ lưu của gần chục thủy điện khác áp dụng công nghệ đập bêtông đầm lăn cũng sẽ rất lo lắng về sự sống còn của mình.
Xử lý vết nứt gây thấm nước ở thủy điện Sông Tranh 2 là việc quan trọng trước mắt, nhưng bịt “lỗ hổng” trong khâu quản lý nhà nước cũng không thể chậm trễ. Vì vậy, nếu cơ quan chức năng thật sự nghĩ đến sự an toàn của người dân thì rất cần thiết phải có một cuộc rà soát toàn bộ đối với các đập thủy điện bêtông đầm lăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận