Ông nói: “Nếu căn cứ vào các kênh truyền hình giải trí và các trang mạng xã hội thì thật sự nước ta đang lâm vào cảnh “thiếu vải” trầm trọng”.
Quả thực, mỗi sáng lên mạng chưa cần mở đến mục giải trí, chỉ cần vào những trang mạng xã hội được đông đảo giới trẻ truy cập, ngay trên trang nhất đã tràn ngập những hình ảnh hở hang. Mấy năm trước chỉ có nữ hở, sau thì nam cũng hở. Đầu tiên nửa kín nửa hở, sau thì hở tất, hoặc kín từ đầu đến chân nhưng... trong suốt.
Thuở bán khai của thời đại hở, chỉ có những người mẫu và nữ diễn viên thuộc dạng sắc nước hương trời mới dám hở, giờ thì... ôi thôi, cứ có ánh đèn sân khấu hay ống kính máy quay, máy ảnh lướt qua đôi lượt là có đủ độ tự tin để... hở.
Thật ra, hở cũng chẳng có gì là xấu, nếu ở bãi biển, chốn tư gia, ở... phòng phẫu thuật. Nhưng người ta đang hở ở những chốn được coi là môi trường văn hóa, cần cảm xúc về cái đẹp, cần sự chuẩn mực, cần thanh lịch. Một buổi trình diễn thời trang có những chân dài chỉ cần sải những bước hơi dài là toàn bộ phần dưới lộ hết, trong khi khán giả ngồi thấp hơn sàn diễn cả mét. Một đêm ca nhạc từ thiện mà ca sĩ mặc quần ngắn hơn cả quần đùi, hay một đêm ca nhạc khác cho trẻ tự kỷ mà ca sĩ không mặc nội y...
Có rất nhiều lý do để biện minh cho sự hở: “làm nghệ thuật phải gợi cảm mới đủ hấp dẫn”, “hở nhưng mà đẹp”, “lúc mặc thì nó không hở đến thế, lên sân khấu cử động mạnh, đi lại nhiều mới ra sự cố”, “luật không nói kín đến đâu thì hở”...
Và cũng có sự biện minh từ một góc độ khác: “nhiếp ảnh gia cứ chui xuống gầm sân khấu, hất ống kính lên thì ai chả hở!?” và “đã biết hở là không đẹp, sao báo chí cứ hăm hở đưa tùm lum, kiếm cớ phê phán rồi trưng ra hàng chục tấm hình minh họa làm gì? Vậy khác gì cổ xúy?”.
Cũng có những cái nhìn độ lượng hơn với... người hở, nhưng lại gay gắt hơn với người... chấp nhận cho phép hở: “nghệ sĩ vốn ngây thơ và bốc đồng, có ánh đèn lên là quên hết, vấn đề là ở nhà tổ chức biểu diễn, anh biết khán giả của anh là ai, biết kiềm chế nghệ sĩ, nghiêm túc với bản thân mình thì chả bao giờ có chuyện hở hang, lố lăng hay phản cảm”.
Một điều kỳ lạ là một chương trình nghệ thuật, dù là ca nhạc, sân khấu hay thời trang bao giờ cũng phải xin phép tới lui, duyệt đi duyệt lại vài lần, nội dung lời ca hay câu thoại thì săm soi từng chút, nhất là khi đụng đến những vấn đề “nhạy cảm”, nhưng ngoại hình của những người chuyên chở tư tưởng nghệ thuật đến với khán giả hình như chỉ được xem là phần thứ yếu. Cho đến khi báo chí (mạng) làm rùm beng lên.
Có cái gì đó rất không ổn trong những bộ trang phục đó và ý đồ những người mặc nó, không chỉ vì nó hở hang, không chỉ là vì nó không hợp với hoàn cảnh. Rất dễ nhận thấy một khi đã dám hở, nghệ sĩ có thể kèm thêm rất nhiều hành động không thể nói là văn hóa: nhả khói thuốc ngay trên sàn diễn, lên báo buôn chuyện đời tư, khoe xe, khoe túi, khoe giày được... bồ tặng.
Những văn bản pháp quy được ban ra nhiều, chi tiết, ngày càng chặt, chặt đến độ người ta từng định quy định cả chiều dài váy và độ sâu cổ áo (!?). Nhưng không vì thế mà những chuyện “lộ hàng”, hở hang ít đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận