07/04/2012 09:16 GMT+7

Giữ vàng mà lo

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - “Tới đây Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thương hiệu là gì? Thương hiệu SJC sẽ ra sao và người có vàng PNJ - DongABank, SBJ... muốn bán nơi nào sẽ mua? Tại sao chỉ được mua vàng miếng ở ngân hàng, công ty lớn? Vàng lá Kim Thành từ nhiều năm trước bán lại ở đâu? Vàng nữ trang mua của tiệm vàng gần nhà cần bán, ai sẽ mua lại khi tiệm vàng này phải điều chỉnh hoạt động theo quy định mới...?“. Khá nhiều thắc mắc nóng khi Chính phủ ban hành nghị định mới về quản lý kinh doanh vàng.

Không chỉ người dân, những tiệm vàng nhỏ lẻ, các thợ bạc cũng lên ruột vì tới đây họ khó duy trì được công ăn việc làm khi không được tự làm nữ trang để bán, phải chuyển sang gia công cho các công ty lớn... nếu chưa đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Có thể nói, việc ban hành nghị định mới về quản lý kinh doanh vàng gần như là “xóa bàn cờ để làm lại”, thay đổi tận gốc rễ thói quen về kinh doanh, mua bán vàng vốn đã ăn sâu trong xã hội nhiều thập niên qua. Tất cả đều quá mới. Với quản lý, nổi bật là Ngân hàng Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu và sản xuất vàng miếng. Các tiệm vàng ở chợ, ngoài phố... chỉ được nhận gia công nữ trang cho đơn vị lớn, không còn tự chế tác nữ trang như hiện nay. Với người dân, họ không còn mua bán vàng miếng với tiệm vàng gần nhà, chỗ quen biết mà phải đến ngân hàng, công ty lớn có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước...

Mặc dù Chính phủ khẳng định quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật nhưng những thay đổi về sản xuất, mua bán vàng, nhất là vàng miếng, vẫn khiến người dân lo âu. Họ lo bởi đó là tài sản mồ hôi nước mắt nhưng trước việc thay đổi quản lý lại có quá ít thông tin chính thống, nhưng thừa nhiều đồn đoán không đúng về mua bán vàng khiến những lo lắng cho tài sản cứ bật ra.

Có thể Ngân hàng Nhà nước cho rằng Chính phủ vừa ban hành nghị định, đến ngày 25-5 mới có hiệu lực và cần có thời gian để nơi này ban hành văn bản hướng dẫn. Nếu theo trình tự này thì quả thật nhà quản lý không cảm nhận được sức nóng của vấn đề, những lo lắng của người dân và người kinh doanh. Thật đáng tiếc khi chuyện người dân bức xúc, lo lắng đã có kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo siết lại hoạt động kinh doanh. Khoảng 15 tháng kể từ khi có chỉ đạo là quá dài, và trong thời gian này thị trường đã nhiều lần xôn xao khi nội dung dự thảo nghị định được đưa ra bàn thảo. Thời gian này cũng là quá thừa để Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị các văn bản cũng như đánh giá rằng cần có thông tin - giải thích kịp thời, kể cả thông tin nội dung của các văn bản hướng dẫn thi hành nghị định để người dân bớt lo lắng.

Hãy đặt mình vào vị trí của người dân, của những người nghèo chắt mót mua được ít vàng để phòng thân mới thấy rằng những thông tin giải thích, như bản tin ngày 6-3 trên website của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra sau khi công luận nêu lên những lo lắng của người dân, quý giá đến chừng nào. Người dân rất cần những thông tin như thế. Quá ít thông tin, chẳng những thiệt dân mà Ngân hàng Nhà nước cũng gặp khó khăn trong quản lý khi thị trường nhiễu thông tin. Một quy định mới về quản lý vàng được cho nhà quản lý nhưng cũng đừng để dân lo, bởi giữ vàng phần lớn là người lao động, công chức, nông dân...

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên