Và đặc biệt, mỗi người dân có thể kiểm soát quan được không? Bằng cách nào? Trả lời câu hỏi này, dân có thể kiểm soát quan bằng nhiều kênh khác nhau. Trong đó trên nguyên tắc, với những điều kiện kèm theo, hệ thống tòa án là một kênh giám sát quan rất hiệu quả.
Ở Việt Nam, theo quy định của pháp luật, có thể kiểm soát hoạt động của các cơ quan hành chính thông qua khởi kiện hành chính và hành vi hành chính của cán bộ, cơ quan hành chính có thẩm quyền.
Mặc dù theo hiến pháp tòa án độc lập với bộ máy hành chính cùng cấp, nhưng thực tế khi giải quyết các vụ án hành chính, tòa án nhân dân cấp huyện (hoặc cấp tỉnh) rất khó quyết định ủy ban nhân dân cấp huyện (hoặc cấp tỉnh) thua kiện vì phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền các cấp.
Chẳng hạn trong vụ Tiên Lãng, các chuyên gia pháp lý đã chỉ ra những sự việc khiến người ta đặt vấn đề sự công tâm, minh bạch, độc lập trong phán quyết của tòa án khi giải quyết khiếu kiện về thu hồi đất.
Nếu theo mô hình tòa án với đỉnh là tòa án tối cao thực hiện tài phán hiến pháp, thẩm phán tòa án cấp sơ thẩm như ở huyện Tiên Lãng nếu cho rằng quyết định thu hồi đất là trái hiến pháp sẽ tạm dừng xem xét vụ án để chuyển tòa án tối cao xem xét vụ việc, ra phán quyết về các vấn đề hiến pháp, sau đó tòa án cấp sơ thẩm mới xem xét tiếp.
Còn trong trường hợp có tòa án hiến pháp, nếu công dân như ông Đoàn Văn Vươn cho rằng quyền của mình bị xâm phạm (quyền sử dụng đất, quyền khiếu kiện...), công dân có thể kiện ra tòa án hiến pháp để đòi lại quyền của mình. Tương tự, nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác từ trước đến nay và sau này đều có nguy cơ bị công dân kiện với lý do vi phạm các quyền công dân. Từ đó, hành vi của công quyền sẽ phải cẩn trọng hơn, vì dân hơn.
Nhân sửa đổi, bổ sung hiến pháp, cần tạo cơ chế hiệu quả để người dân kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước, quan chức nhà nước. Trước hết cần cải cách hệ thống tòa án để chốn công đường thật sự là nơi người dân có thể viện cầu công lý.
Cần bảo đảm sự độc lập cho tòa án bằng những cách thức như: hệ thống tòa án không nên theo đơn vị hành chính mà thành lập các tòa án khu vực; việc bổ nhiệm thẩm phán cần có sự tham gia của nhiều chủ thể, có thể là tòa án giới thiệu người, Chủ tịch nước bổ nhiệm, Quốc hội phê chuẩn; thẩm phán nên được bổ nhiệm cho đến lúc về hưu, độ tuổi về hưu của thẩm phán cao hơn của công chức bình thường.
Có thể giao cho tòa án tối cao chức năng tài phán hiến pháp hoặc thành lập cơ quan bảo hiến chuyên trách (tòa án hiến pháp hoặc hội đồng bảo hiến) có thẩm quyền phán quyết về những vi phạm hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn mô hình thích hợp cho Việt Nam, cần phải giải đáp sáng rõ những vấn đề: vị thế của cơ quan như vậy sẽ ở đâu trong hệ thống các cơ quan hiện có; năng lực của thẩm phán, của bộ máy, con người...
Hiến pháp phải là một thực thể sống, và sức sống đó được “trui rèn” qua những lần sửa đổi, qua hoạt động lập pháp của Quốc hội, nhất là qua tinh thần áp dụng hiến pháp trong thực tiễn của các tòa án.
Hiệu lực thực tế đó mang lại cho người dân cảm nhận về vị thế của mình. Cơ chế vì dân sẽ tạo ra niềm tin trong dân rằng có thể trông cậy vào đó để kiểm soát công quyền, bảo vệ các quyền của mình, để được sống trong sự an toàn, mưu cầu hạnh phúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận