25/11/2011 07:33 GMT+7

Quăng lưới giữa phố, lộ ra bất cập

PHẠM DUY NGHĨA
PHẠM DUY NGHĨA

TT - Hết cách, Công an Thanh Hóa buộc phải dùng lưới đánh cá để chặn xe, trấn áp “quái xế”. Biết rằng điều ấy là cực chẳng đã, song hình ảnh cảnh sát quăng lưới giữa phố đông người đã lộ ra nhiều vấn đề cần chấn chỉnh và thêm một lần nữa cảnh báo thói sống đô thị ở nước ta đã trở nên quá đỗi dị thường so với thế giới.

Tràn đầy nhựa sống, 30% dân số nước ta ở lứa tuổi 14-24, những người trẻ tuổi ấy phải có cơ hội để thể hiện mình. Thiếu nơi vui chơi, thiếu cơ hội giải trí, thiếu cả một nền giáo dục biết lắng nghe con trẻ, nạn đua xe tồn tại dai dẳng có lý riêng của nó, mà lỗi phần lớn là bởi người lớn chúng ta. Chống đua xe, vì lẽ ấy, không thể chỉ là công việc riêng của ngành cảnh sát. Địa phương nào cũng khoe những chỉ số GDP tăng trưởng, san sát nhà ống, nhưng những đô thị mới lại ít công viên, vắng bóng thư viện, nhà thi đấu, bể bơi, sân đua. Muốn thoát khỏi tù túng, không biết đi đâu, lũ trẻ tràn xuống lòng đường cũng là điều dễ hiểu.

Phố mọc đến đâu, xe máy lan nhanh tới đó. Từ đi bộ tới xe đạp, nay tận hưởng cơn gió tự do thổi phần phật khi cưỡi trên những chiếc xe máy, bản tính người dân nước ta quen ứng xử theo sự thuận tiện. Buộc những cơn sóng xe máy rú ga theo bản tính ấy tuân thủ theo làn đường, theo tín hiệu giao thông, theo luật lệ văn minh quả thật cũng là quá khó đối với ngành công an. Muốn định hướng hành vi, phải thay đổi lợi ích. Không còn cách nào khác, lệ phí đăng ký xe máy phải tăng, mức phạt phải làm cho người vi phạm kinh hãi đến nhớ đời. Nếu chủ xe không đủ tiền nộp phạt, phương tiện vi phạm phải bị tịch thu và được bán đấu giá để trừ nợ phạt, phần thừa sung công quỹ.

Hiếm có quốc gia nào trên thế giới này cảnh sát phải đu lên nắp capô hoặc vất vả rượt đuổi xe máy vi phạm luật như ở nước ta. Để xảy ra cảnh ấy, yếu kém thuộc về hệ thống đăng ký và truy cứu trách nhiệm của chủ phương tiện. Lẽ ra, khi hưởng sự tự do với chiếc xe máy, hằng năm chủ xe phải đóng thuế duy trì xe, chủ xe phải nộp tất cả khoản tiền phạt hành chính, bất luận người điều khiển phương tiện là ai. Cảnh sát đỡ phải vất vả, cũng chẳng phải quăng lưới giữa phố, nếu pháp luật quy thẳng trách nhiệm trả tiền phạt cho chủ phương tiện và tiền phạt ấy một phần được đầu tư để hiện đại hóa hệ thống đăng ký và truy tìm chủ xe.

Cuối cùng, đối với những “quái xế” có hành vi chống đối và coi thường pháp luật, biện pháp trấn áp của cảnh sát cũng phải đủ cứng rắn và chuyên nghiệp. Để người thi hành công vụ phải quăng lưới giữa phố trong nghiệp vụ trấn áp vi cảnh và tội phạm, đến lúc này lỗi thuộc về ngành cảnh sát. Tội phạm mới chắc khí tài và nghiệp vụ cũng phải mới. Nếu sự nhếch nhác và thiếu chuyên nghiệp cứ tiếp diễn được phô bày trước ánh mắt người dân, thanh danh của lực lượng thực thi pháp luật có nguy cơ bị lu mờ. Nạn “quái xế” buộc cảnh sát phải quăng lưới giữa phố cần làm rõ và chấn chỉnh những nguyên nhân đã dẫn tới lối ứng xử dị thường này.

PHẠM DUY NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên