Chuyện quản lý nợ công của Hi Lạp không còn là của riêng quốc gia nào. Chúng ta cũng đang thực hiện nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có cắt giảm đầu tư và chi tiêu công. Bước đầu đã có kết quả nhưng còn quá nhiều việc phải làm. Không thể chần chừ trong việc củng cố an toàn công nợ quốc gia. Quốc hội, với tư cách là cơ quan tối cao giám sát việc thu chi ngân sách, phải quan tâm hơn đến vấn đề này.
Nợ bao nhiêu là an toàn? Ngưỡng nợ công, có nhiều ý kiến khác nhau về tiêu chí, tùy vào kinh tế mỗi nước, nhưng hiện nay mức tương đương dưới 60% tổng sản phẩm nội địa (GDP) được xem là còn an toàn, vượt số này là có rủi ro. Chính phủ có thể xài nhiều hơn số tiền thu được, khoản chi thêm là từ vay mượn. Thường sau 10-15 năm vay mượn thì nợ công đạt ngưỡng không an toàn, phải tính đến chuyện trả nợ, nếu không sẽ trả giá.
Bài học của Hi Lạp là rất đắt khi không còn được độc lập trong thực hiện các chính sách của quốc gia. Thủ tướng Hi Lạp George Papandreou cho biết sẽ “thắt lưng buộc bụng”, thậm chí khắc khổ, giảm thâm hụt ngân sách để nhận được tiền từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). “Thắt lưng buộc bụng” được hiểu là phải thực hiện chính sách theo bên ngoài để nhận được tiền trả nợ.
Việt Nam là nước đang phát triển, ngoài nội lực còn phải vay mượn thêm để đầu tư phát triển. Chúng ta như chàng thanh niên bắt đầu lập nghiệp. Đầu tiên là nhận được sự giúp đỡ của người thân (vay viện trợ phát triển - ODA, có lãi suất thấp), vay trong nước nhưng cũng không đủ, phải đi vay nước ngoài, vay thương mại (trả lãi suất theo thị trường). Nhiệm vụ quan trọng của người khởi nghiệp là sử dụng vốn hiệu quả, xây dựng cơ ngơi cho riêng mình và trả được nợ. Để có được như hôm nay, thoát khỏi nhóm nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình thấp (1.100 USD/người) với tổng GDP đạt gần 105 tỉ USD (năm 2010), có một phần đi vay mượn. Đến cuối năm 2010, nợ công của quốc gia đã chiếm 56,7% GDP (trong đó nợ nước ngoài là 42,2% GDP) gần đạt ngưỡng có rủi ro, cần phải thận trọng khi vay mượn.
Quản lý nợ công không chỉ là giảm chi tiêu công, việc này phải làm sau khi đã chi tiêu quá tay. Nên bắt đầu từ việc sử dụng vốn hiệu quả. Thời gian qua chúng ta đã phân cấp mạnh cho các địa phương nhưng lại thiếu giám sát, dẫn đến đầu tư manh mún, vốn ít nhưng rải khắp nơi. Nơi nào cũng muốn có cảng biển, sân bay, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng không khai thác hết công suất, dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau có lợi cho nước ngoài. Không thể mỗi địa phương là một nước thu nhỏ, thiếu liên kết. Cần rà soát lại phân cấp, đầu tư tập trung cho những nơi có khả năng tái tạo ra nguồn thu. Việc phân bổ ngân sách nhà nước cho địa phương phải tính đến nuôi dưỡng nguồn thu, không dàn trải mỗi nơi một ít. Tránh tình trạng có nơi đường sá to đẹp, nhiều nhà văn hóa, sân vận động nhưng không làm ra nhiều tiền để trả nợ.
Ngược lại như TP.HCM có thể tạo nguồn thu thì luôn kẹt xe, bệnh viện quá tải, thiếu trường học, môi trường ô nhiễm... Đừng ôm đồm, Chính phủ phải có chính sách để các thành phần kinh tế khác bỏ vốn ra làm. Dứt khoát phải kiểm soát đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là đầu tư ngoài ngành. Nên đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để chuyển nguồn lực vào lĩnh vực có hiệu quả hơn. Môi trường đầu tư phải được cải thiện và minh bạch, tạo thuận lợi tốt hơn cho sản xuất kinh doanh, khi đó sẽ có thêm người đóng thuế, Chính phủ có tiền để chi, bớt đi vay... Chỉ có làm mạnh tay như thế mới hỗ trợ tích cực cho việc cắt giảm chi tiêu công để đảm bảo nợ quốc gia ở ngưỡng an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận