05/08/2011 09:14 GMT+7

Từ bữa ăn của công nhân

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Khi bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (đại biểu Quốc hội TP.HCM) bày tỏ sự xót xa trước bữa ăn của nhiều gia đình công nhân hiện nay, nhiều phóng viên theo dõi nghị trường chợt nhớ lại câu chuyện tương tự đã được đề cập trên diễn đàn Quốc hội cách đây vừa tròn một nhiệm kỳ.

Ngày 3-8-2007, chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ khóa trước phát biểu nhậm chức, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội trên hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên - Huế) đã lo ngại trước tình hình giá cả leo thang và dẫn thông tin từ báo Tuổi Trẻ cho hay: “Người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM rời chợ sau giờ tan tầm với chiếc túi nilông trên tay chỉ toàn rau: hai bó rau muống 4.000 đồng, rau sống 2.000 đồng, chanh ớt 1.000 đồng, mắm muối 1.000 đồng, hai con cá ươn 3.000 đồng, tổng cộng 11.000 đồng. Đó là chưa nói đến gạo, củi, dầu lửa. Với thực đơn khiêm tốn như vậy thì chưa đủ duy trì sức lao động”.

Ngày 4-8-2011, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: “Nhiều công nhân đang khung lại bữa ăn cho gia đình mình, gồm hai vợ chồng và hai đứa con không quá 30.000 đồng mỗi ngày. Với mức lương hơn 1 triệu đồng, ngoài tiền nhà trọ, điện nước, chi phí học hành cho con cái thì mới tính đến cái ăn. Như vậy thì tái tạo sức lao động như thế nào?”.

Hai câu chuyện ở hai thời điểm cách nhau bốn năm cho thấy thu nhập thực tế của nhiều công nhân không tăng lên bao nhiêu, trong khi họ phải chi phí cho bữa ăn tối thiểu của gia đình ngày càng nhiều hơn. Và câu chuyện giá cả tăng cao không chỉ có trong mâm cơm của người lao động thu nhập thấp. Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh mới đây cũng đã chia sẻ: “Vợ tôi đi chợ về cũng kêu lắm”.

Hồi tháng 8-2007, chỉ số giá tiêu dùng tăng trên 6% và đại biểu Thu Hồng đã đề nghị Chính phủ sớm triển khai chính sách giảm bớt các khoản đóng góp của người dân. Nếu không tính mức trượt giá trong các năm qua, từ cuối năm 2010 đến nay chỉ số giá tiêu dùng đã tăng trên 14%.

Lạm phát ngày càng gia tăng, nhưng các chính sách hỗ trợ người dân theo như gói giải pháp miễn thuế mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này lại “quá ít” như nhận xét của Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội. Trong đó, đa số công nhân (những người có thu nhập ở mức không phải đóng thuế thu nhập cá nhân) chưa được hỗ trợ trực tiếp mà chỉ gián tiếp thông qua việc giảm mức thuế khoán cho hộ kinh doanh nhà trọ, cung ứng suất ăn ca...

Những chính sách chỉ mang tính động viên sẽ không mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho người được thụ hưởng. Để thật sự tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, một gói giải pháp về thuế đủ sức tạo ra sự lan tỏa về chính sách là cần thiết trước mắt trong bối cảnh giá cả tăng cao hiện nay. Nhưng về lâu dài, để câu chuyện bữa ăn kham khổ của công nhân không lặp lại sau mỗi nhiệm kỳ, vấn đề không chỉ là tăng thu nhập cho người lao động mà là không để lạm phát lặp lại theo chu kỳ, không để mức độ của lạm phát ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Nói như ông Bùi Sĩ Lợi (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) là “chống lạm phát còn quan trọng hơn tăng lương”, và đây chính là điều mà đông đảo cử tri đã gửi gắm ông phát biểu trên nghị trường.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên