Một quá trình cam go, tốn kém vừa tạm khép lại nhưng đây sẽ lại là điểm khởi đầu một quá trình cam go khác. Có nhiều bài học cần được rút ra để tránh và giảm thiệt hại trước các vụ kiện mang tính quốc tế thời hội nhập.
Điều đầu tiên cần khẳng định là với phán quyết của WTO, không phải mai kia tất cả doanh nghiệp xuất khẩu tôm của VN sẽ được gỡ bỏ thuế chống bán phá giá. Luật pháp Mỹ có quy định về “Rà soát hoàng hôn” trong thời hạn năm năm liên tục, nếu kết quả rà soát hành chính ba lần liên tiếp khẳng định doanh nghiệp không còn là mối đe dọa về bán phá giá thì cơ quan có thẩm quyền của Mỹ có thể kết luận cụ thể về việc không còn cơ sở để áp thuế chống bán phá giá tiếp tục đối với một sản phẩm đó. Khi bị kiện, Mỹ đã tiếp tục rà soát năm thứ tư, thứ năm. VN mới kiện Mỹ về kết quả rà soát năm thứ hai và thứ ba, nên muốn bỏ hoàn toàn thuế chống bán phá giá với tôm, VN có thể còn phải thực hiện thêm một vụ kiện mới nữa ra WTO.
VN đã hành xử đúng khi kiện Mỹ ra WTO. Nhưng chi phí mỗi vụ kiện như vậy không nhỏ, riêng tiền thuê luật sư đã lên tới hàng trăm ngàn euro. Các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí cả doanh nghiệp lớn cũng khó theo đuổi những vụ kiện như vậy. Vì vậy, cần nhìn lại cách ứng xử của các doanh nghiệp. Thay vì phê phán, cần biết rằng hoàn toàn có thể tránh hoặc chủ động giữ được lợi ích ngay cả khi bị áp thuế chống bán phá giá.
Luật lệ Hoa Kỳ và nhiều quốc gia không hề cấm bán phá giá. Theo thông lệ của WTO, nếu biên độ bán phá giá được xác định thấp hơn 2% thì việc bán phá giá đó được coi là không đáng kể, việc điều tra chống bán phá giá sẽ được dừng và sẽ không bị áp thuế chống bán phá giá. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi bán hàng vào Mỹ đã nghiên cứu kỹ và lợi dụng điều này. Thậm chí, họ chủ động bán phá giá và tính toán phá giá ở mức hợp lý để khi bị áp thuế chống bán phá giá (tương đương biên độ phá giá), họ vẫn có lợi. Các doanh nghiệp nước ngoài có hiểu biết nên họ chủ động được trong việc bán phá giá, cân bằng được lợi ích và thiệt hại. Nhiều doanh nghiệp VN chưa hiểu luật lệ thương mại quốc tế nên đã thiệt hại lớn, thậm chí tê liệt.
Các vụ kiện bán phá giá, trợ cấp sản phẩm của VN ngày càng nhiều, trước là cá tra, cá ba sa, tôm rồi đến túi nhựa, giày dép, xe đạp, đèn compact, túi nhựa PE... Bài học qua vụ kiện tôm cho thấy đã gia nhập cuộc chơi quốc tế, doanh nghiệp phải nỗ lực để hiểu biết, nếu không sẽ trả giá đắt. Khi bị nước ngoài kiện, nhiều doanh nghiệp đã rất “vô tư” do không thấy tên mình trong danh sách kiện. Kết quả, khi bị áp thuế chống bán phá giá, tất cả doanh nghiệp trong danh sách, ngay các doanh nghiệp vừa thành lập, đều bị áp thuế...
Trong kinh doanh quốc tế, không thể có thái độ bất cần, không hợp tác. Theo luật pháp Mỹ, nếu không hợp tác, họ sẽ dựa vào tài liệu của chính người đi kiện. Và thực tế, những doanh nghiệp hợp tác đã được hưởng thuế suất thấp hơn và đã có cơ hội tồn tại, phát triển.
Điều đáng buồn nữa là khi bị điều tra, có doanh nghiệp đã không trả lời được các câu hỏi một cách có lợi nhất cho mình. Dù cá tra, ba sa ở ta là cá nuôi nhưng khi họ hỏi lưu lượng nước chảy qua, nhiệt độ trung bình trong lồng bao nhiêu... đều không biết. Rồi điều tra viên của họ hỏi tại sao VN bán rẻ thế, có người trả lời “do các cháu trong nhà tự làm”... Cách trả lời bất cẩn kiểu như vậy có thể bị xếp vào loại bất hợp tác, không những có thể bị áp thuế cao mà còn có thể bị coi là rơi vào vùng “cấm nhập vào Mỹ” chỉ vì giản đơn sản phẩm này tận dụng lao động trẻ em, theo luật Mỹ cấm ngặt.
Doanh nghiệp phải quan tâm đến khách hàng của mình. Đã qua thời xuất khẩu như “đánh quả”. Vì vậy, muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ luật pháp và thị trường nước mà các “thượng đế” của mình cư trú. Nếu không chuyên nghiệp, các vụ kiện sẽ còn kéo dài và tốn kém thời gian tới sẽ còn rất lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận