Rưng rưng khi nhìn nụ cười hồn nhiên của những người thụ hưởng chương trình sách nói, rưng rưng khi bắt gặp thoáng ưu tư, âu lo trên gương mặt những người thực hiện chương trình, điều hành Quỹ từ thiện sách nói dành cho người mù. Ưu tư là vì thư viện vừa có thêm nhiều bước tiến mới như: tách ra thành dự án độc lập, thành lập được quỹ từ thiện dành cho người mù nhưng lại phải đối mặt với một thử thách khắc nghiệt: không còn trụ sở để hoạt động.
12 năm, thư viện đã sản xuất ra hàng ngàn đầu sách nói phục vụ các hội người mù cả nước, vận động cho các học sinh, sinh viên mù hàng trăm suất học bổng, hàng trăm máy tính để các em ấm lòng, tự tin bước lên phía trước. Con số 1,4 triệu người mù mà Viện Mắt trung ương thống kê là con số đáng kể trong cơ cấu dân số và đòi hỏi phải có sự hỗ trợ lớn từ phía cộng đồng, xã hội để bù đắp lại những thiệt thòi. Hoạt động của Thư viện sách nói đã góp một phần không nhỏ vào công việc ấy, tô thêm màu sắc trong việc thể hiện tính nhân văn của xã hội.
12 năm, thư viện âm thầm đọc, thu, sang băng đĩa, gửi đi, âm thầm như khi các hình ảnh, sắc màu len vào và sáng thắm dần lên trong màn đêm của người mù. 12 năm, thư viện chưa lo được gì cho chính mình. Vẫn chỉ có vài nhân sự phần lớn là người khuyết tật như buổi đầu.
Vẫn chỉ mình Hướng Dương làm trụ cột. Vẫn nguồn kinh phí không ổn định dựa vào các nhà tài trợ.
Vẫn những căn phòng đi mượn chông chênh trên những lời hứa. Đến Thư viện sách nói hôm nay ai cũng xuýt xoa vì địa điểm và trụ sở lý tưởng, có hai phòng thu hiện đại, có phòng lưu trữ, phòng online, phòng khách, phòng tài vụ, phòng dự án riêng biệt.
Thế nhưng trụ sở này được một nhà hảo tâm cho mượn chỉ trong hai năm, là đã hết sức của một tấm lòng vàng. Khánh thành chưa ấm chỗ, ban quản trị đã ngay ngáy lo đến ngày phải dọn đi. Hôm nay thì cái ngày ấy đã gần kề mà hi vọng về một trụ sở mới vẫn chưa thấy tăm tích.
Năm rồi, Hướng Dương được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 2, rất nhiều hoa, rất nhiều lời chúc mừng gửi đến chị, nhưng những thư, những kêu gọi của chị, của hội đồng quản trị về việc tìm, xin một chỗ “an cư lạc nghiệp” cho Thư viện sách nói vẫn chưa có phản hồi.
Hướng Dương đã có nhiều người chung vai, từ đọc sách đến đóng góp băng đĩa, tặng thưởng học bổng, kinh phí hoạt động nhưng một trụ sở giữa thành phố một tấc đất bằng mấy tấc vàng này quả là vượt quá vòng tay của những người chỉ có lòng yêu thương làm tài sản. Hướng Dương vẫn không nản, như chị đã không bỏ cuộc suốt 12 năm qua dù có những lúc muốn gục xuống.
Hướng Dương bảo nếu không có trụ sở, phòng thu sẽ dọn về nhà chị, che chắn tạm bợ như những ngày đầu tiên khởi sinh chương trình ở Trường Nguyễn Đình Chiểu. Nhưng nói là nói vậy, hôm nay hàng chục ngàn người mù, hàng ngàn học sinh sinh viên mù ngóng chờ thư viện mỗi ngày, làm sao có thể quay lại điểm xuất phát.
Chỉ có thể đi tiếp.
Nhưng ai sẽ giúp Hướng Dương trên con đường phục vụ người mù đến tận tâm tận sức?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận