25/04/2011 07:02 GMT+7

Hai "lực đẩy" lấy chồng ngoại

LÊ MINH TIẾN (giảng viên xã hội học - ĐH Mở TP.HCM)
LÊ MINH TIẾN (giảng viên xã hội học - ĐH Mở TP.HCM)

TT - Những con số được đưa ra trong hội nghị toàn quốc về vấn đề “Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài” diễn ra tại Cần Thơ ngày 22-4 cho thấy xu hướng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài đã không ngừng gia tăng về con số lẫn biên độ (lan ra các tỉnh phía Bắc chứ không còn tập trung ở Nam bộ nữa).

Cũng như các kết quả khảo sát trước đây cho thấy lý do dẫn đến những cuộc hôn nhân với người nước ngoài được đưa ra tại hội nghị chủ yếu là nhằm cải thiện tình trạng kinh tế của người phụ nữ Việt Nam.

Và điều này cần được quan tâm một cách sâu sắc hơn, bởi các giải pháp kiểu như “5 biết” mà cụ thể là biết văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ; biết tình trạng sức khỏe; biết hoàn cảnh gia đình của đối tượng sẽ kết hôn; hiểu biết pháp luật về hôn nhân gia đình; biết về thực trạng những cuộc hôn nhân nước ngoài thành công và thất bại của những chị em đi trước... (Tuổi Trẻ ngày 23-4) không phải là giải pháp căn cơ cho vấn đề.

Việc phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài ngày càng nhiều nhưng chủ yếu vì lý do kinh tế không thể không khiến chúng ta nhìn kỹ hơn về những thành tựu trong xóa đói giảm nghèo thời gian qua.

Mặc dù được đánh giá là quốc gia có tốc độ giảm nghèo thuộc vào loại nhanh nhất thế giới nhưng tình trạng nghèo xét theo chất lượng sống trên thực tế (chứ không phải theo những con số về tiêu chuẩn nghèo tính theo thu nhập) hình như vẫn còn nên đây chính là “lực đẩy” mạnh nhất khiến một số phụ nữ Việt chọn cách lấy chồng ngoại, bởi đây được xem là một trong những phương cách hữu hiệu nhất để họ thoát nghèo.

Do đó giải pháp quan trọng bậc nhất để hạn chế tình trạng trên không có gì khác hơn là phải cải thiện tình trạng kinh tế cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, bởi nếu người ta không tìm thấy những cơ hội để cải thiện cuộc sống tại nơi ngụ cư của mình thì chắc chắn người ta phải đi tìm kiếm cơ hội ở những nơi khác cho dù phải đối diện với nhiều bất trắc.

Một lý do khác khiến phụ nữ nông thôn đồng bằng sông Cửu Long lấy chồng ngoại ngày càng nhiều đó là tình trạng bất bình đẳng giới và nạn bạo hành gia đình mà phần lớn phụ nữ luôn là nạn nhân.

Theo Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Việt Nam được đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách về giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua (Tuổi Trẻ ngày 24-4), nhưng xét trong nội bộ quốc gia thì vùng đồng bằng sông Cửu Long là nơi mà khoảng cách giới vẫn còn cao nhất nước và tình trạng bạo hành vẫn còn trầm trọng.

Tình trạng bất bình đẳng giới kéo theo nạn bạo hành là nhân tố quan trọng thứ hai “đẩy” người phụ nữ ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Những giải pháp về kinh tế hoặc xã hội có tính vĩ mô cần được kiên trì thực hiện mới mong cải thiện tình hình trong dài hạn. Tuy nhiên cũng có thể cải thiện tình hình trong ngắn hạn bằng cách thành lập các trung tâm tư vấn, môi giới kết hôn với người nước ngoài một cách chính thức.

Những trung tâm này sẽ làm đầu mối nhằm thay thế cho các nhóm môi giới phi chính quy như hiện nay như là cách để giúp chị em phụ nữ có những lựa chọn tốt nhất có thể và cũng nhằm bảo vệ lợi ích cho họ, bởi hiện nay những đường dây môi giới phi pháp đang “ăn” khá dày cho mỗi vụ kết hôn thành công, và có những cách thức làm ăn xúc phạm nhân phẩm phụ nữ Việt Nam.

Đồng thời cũng chú ý đặc biệt đến nhóm các trẻ em “lai” hiện nay. Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em phải vào cuộc càng sớm càng tốt để giúp các em này hội nhập xã hội, bởi những nghiên cứu xã hội học thực nghiệm về tội phạm đã phát hiện rằng trẻ em càng sớm bị tách rời khỏi người mẹ thì khả năng rơi vào các hành vi lệch lạc sau này là rất cao do các em không phát triển được các mối tương giao tình cảm với người khác.

LÊ MINH TIẾN (giảng viên xã hội học - ĐH Mở TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên