Công ty Cho thuê tài chính II (CTTCII) vốn ban đầu chỉ hơn 300 tỉ đồng, nhờ tận dụng ưu thế của ngân hàng thương mại nhà nước hàng đầu, họ đã huy động được cả chục ngàn tỉ đồng và phóng tay sử dụng dẫn đến thua lỗ.
Rất khó tin rằng lãnh đạo CTTCII có khả năng huy động vốn giỏi như vậy lại “kém năng lực” đến nỗi giải ngân mà không biết tiến độ thực hiện hợp đồng ra sao, dẫn đến nợ xấu. Cũng không hiểu tại sao Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) không phát hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời.
Có lẽ sắp tới, lý do được Agribank đưa ra sẽ lại là do CTTCII không báo cáo trung thực, Agribank chưa giám sát chặt chẽ... Rồi Agribank sẽ đứng ra “tái cấu trúc” CTTCII với việc gánh khoản lỗ khổng lồ của CTTCII... Dù được xử lý ra sao thì cuối cùng vẫn là tiền thuế của nhân dân đóng góp cho Nhà nước để Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại nhà nước này bị thất thoát, đồng thời ngân sách bị hụt đi một khoản lẽ ra phải thu được.
Thật ra CTTCII đã không thể tiêu tiền dễ dãi đến như thế nếu cơ chế vận hành và giám sát thật sự chặt chẽ. Việc giám sát doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được nhắc đến rất nhiều. Chúng ta không thiếu cơ quan giám sát nhưng những vụ thất thoát ở DNNN vẫn ngày càng nhiều, càng nghiêm trọng.
Với cách quản lý rải đều quyền hạn và trách nhiệm cho nhiều cơ quan khác nhau mà không rạch ròi ai chịu trách nhiệm chính, giữa các cơ quan đó lại rất ít phối hợp với nhau, cung cách làm việc với doanh nghiệp thì quan liêu, tập trung chủ yếu vào việc yêu cầu doanh nghiệp báo cáo như hiện nay, nguy cơ tiền nhà nước, tiền thuế của dân thất thoát khối lượng lớn vẫn có thể xảy ra nếu doanh nghiệp cố tình làm sai, báo cáo sai.
Thời gian qua, các cơ quan nhà nước thường đổ lỗi cho việc thiếu vắng hoặc sự khiếm khuyết của các quy định quản lý mỗi khi có “sự cố” bị phát hiện ở các DNNN.
Song câu chuyện CTTCII cho thấy ra quy định là cần, nhưng quan trọng hơn phải là chất lượng của các quy định, đặc biệt về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhất là việc tổ chức quản lý, giám sát thực hiện trên thực tế. Đồng thời phải xử lý nghiêm, trừng phạt tất cả những người có trách nhiệm liên quan theo nguyên tắc quyền càng cao thì trách nhiệm càng lớn và càng phải chịu sự trừng phạt khi có sai phạm.
Các cơ quan nhà nước đang dự thảo nhiều quy chế để tăng cường giám sát DNNN. Tuy nhiên sẽ rất khó khả thi nếu những cơ quan chuyên trách như Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra... phát hiện vấn đề nhưng việc xử lý lại nằm ở một hoặc vài cơ quan khác với những công việc và cách hành xử rất khác, từ xử lý cán bộ liên quan đến công bố thông tin.
Vụ CTTCII cho chúng ta thêm những bài học về tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động các DNNN. Vấn đề hiệu quả hoạt động của các DNNN trước mắt vẫn là câu hỏi khó nếu không cải thiện trên thực tế cơ chế trách nhiệm và tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cấp tại doanh nghiệp cũng như các cơ quan có thẩm quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận