Báo chí cũng vừa đưa tin Bộ VH-TT&DL đề xuất một dự án 11.000 tỉ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích trong gói chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cho năm năm 2011-2015 (tổng chi phí dự kiến của chương trình là 15.400 tỉ đồng).
Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2010 được Chính phủ phê duyệt với tổng nguồn lực được huy động là 4.542 tỉ đồng, chi cho tu bổ, tôn tạo di tích khoảng 1.000 tỉ đồng.
Như vậy, có nghĩa là sau năm năm, sự quan tâm của Nhà nước đối với di sản văn hóa quốc gia đã được lượng hóa một cách cụ thể gấp hơn 10 lần.
Nhưng người dân hướng về nguồn cội và Nhà nước đầu tư cho di tích không có nghĩa là các di sản văn hóa đã và đang được giữ gìn như nó cần phải được như thế. Gần nhất và cấp thiết nhất, báo chí cũng vừa đưa tin: Hoàng thành Thăng Long sụt lún do thi công tòa nhà Quốc hội.
TS viện trưởng Viện Khảo cổ ký công văn gửi ban quản lý dự án nhà Quốc hội rất khẩn thiết: “Viện đã nhiều lần làm việc với ban quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội yêu cầu dừng việc dùng máy xúc thi công đào đất, đồng thời phải đưa ra biện pháp thi công khả thi nhằm đảm bảo không làm phá hủy di tích. Tuy nhiên, đơn vị thi công vẫn dùng máy xúc đào khoét làm sụt lún đất, máy khoan hệ neo làm nứt vỡ kết cấu các tầng đất và tràn nước bùn sang khu di tích”.
Hoàng thành Thăng Long là di tích quốc gia đặc biệt quan trọng, là di sản văn hóa của nhân loại, được không chỉ cả quốc gia mà cả quốc tế quan tâm và giám sát, mà còn có thể xảy ra “sự cố” như vậy thì những di tích nằm tận thâm sơn cùng cốc, hang cùng ngõ hẻm, những miền quê nghèo, nơi biên ải... còn có thể bị đe dọa bởi nguy cơ “sự cố” như thế nào?
Với sức ép của công luận, đặc biệt là sự kiện ICOMOS - hội đồng thẩm định độc lập của UNESCO - sẽ sang kiểm tra và thẩm định lại hiện trạng bảo tồn di sản của Hoàng thành vào tháng 6 này, nếu không được bảo tồn nguyên trạng, rất có thể Hoàng thành sẽ bị rút công nhận di sản. Công trường thi công nhà Quốc hội sát Hoàng thành đã phải dừng các hoạt động đào bới bằng máy và hứa mời các chuyên gia giám sát công trường 24/24g.
Nhưng liệu hàng ngàn di sản khác trên khắp đất nước có được cái may mắn ấy khi mà ICOMOS chưa “để mắt” đến?
Và 3 triệu người hành hương về đất Tổ hôm nay, liệu có phải ai cũng biết được một quả núi ngay sát chân Nghĩa Lĩnh trong khu bảo tồn vừa suýt bị san phẳng để khai thác khoáng sản? Và chỉ được dừng lại khi công luận đồng loạt “kêu cứu”?
Ngày giỗ Tổ, thắp nén nhang tưởng nhớ cha ông, chợt giật mình vì những dự án ngàn tỉ để bảo vệ di sản mà di sản đôi khi chỉ cần một chớp mắt lơ là của công luận, của xã hội là đã có thể thành... đại công trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận