10/04/2011 08:07 GMT+7

Bẩn miệng mình trước

GIÁNG HƯƠNG
GIÁNG HƯƠNG

TT - Không hẹn mà gặp, thời gian gần đây bỗng dưng lại xảy ra nhiều “vụ án” liên quan đến cái miệng. Miệng chửi bậy, không đúng nơi đúng chỗ. Trên sân cỏ bóng đá nước nhà có vụ cầu thủ Đặng Ngọc Tùng (CLB TP.HCM) với trọng tài Nguyễn Văn Kiên. Trên sân bóng chuyền thì tuyển thủ quốc gia Hoàng Văn Phương (Thể Công) bị thẻ đỏ vì chửi trọng tài Hoàng Hà. Ngay trên truyền hình, BTV Lê Bình cũng bị “tai nạn” khi thốt ra những lời khó nghe.

Đã có rất nhiều tài liệu nghiên cứu về chửi thề, cả ở nước ta lẫn trên thế giới. Và các nhà ngôn ngữ học đã kết luận rằng chửi thề đã xuất hiện từ ngàn xưa. Và đừng nghĩ rằng chuyện chửi thề chỉ xảy ra ở những nước dân trí còn thấp. Bên nước Anh, ngôi sao bóng đá Rooney vừa bị treo giò hai trận vì chửi bậy trước ống kính truyền hình là ví dụ mới nhất! Hay tại lễ trao giải Oscar 2011, Melissa Leo khi được trao giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cũng không kiềm chế được sự sung sướng thốt ra lời chửi bậy khiến mọi người sửng sốt!

Bực bội quá cũng thốt ra tiếng chửi thề. Hạnh phúc quá cũng thốt ra tiếng chửi thề. Nhưng điều quan trọng hơn cả của tiếng chửi thề là ngữ cảnh mà nó xuất hiện. Một lời văng tục chỉ cho riêng mình để xả căng thẳng, để thỏa mãn nỗi hạnh phúc tột cùng của bản thân còn khả dĩ chấp nhận, thông cảm; nhưng văng tục để xúc phạm người khác hoặc diễn ra trước bàn dân thiên hạ, trên phương tiện thông tin đại chúng quả là không thể chấp nhận.

Nhưng nói gì thì nói, chửi thề dù như là một “thuộc tính” của con người có từ ngàn xưa, song con người trên con đường hoàn thiện mình vẫn luôn phải chiến đấu đẩy lùi những cái xấu - trong đó có chửi thề. Chẳng thế mà từ ngàn xưa đã có câu “Tiên ố ngã khẩu”. Nghĩa là ông bà ta đã dạy rằng nói ra những điều không hay ho thì miệng mình bẩn trước!

Tiếc rằng ngày nay chúng ta có vẻ thờ ơ với cuộc chiến này. Ở ngay trong môi trường giáo dục, nhiều lúc tôi cảm thấy mình như bất lực với học sinh. Nhắc đó, răn đe đó, khuyên nhủ đó, nhưng cứ giờ ra chơi là sân trường “bẩn” vô cùng với những tiếng chửi thề thốt ra từ những cái miệng xinh xắn của các em học sinh (một kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục VN cho biết tỉ lệ chửi tục trong trường học là 6% với học sinh lớp 5, 34% với lớp 9, 43% với lớp 10 và 68% ở đại học).

Ngoài xã hội thì ngay đến mảnh đất ngàn năm văn vật - nổi tiếng với câu “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, thế mà một người Hà Nội gốc như đạo diễn Lê Hoàng phải ngao ngán nói: ”Có những lúc tôi thơ thẩn ngoài đường để tìm lại những kỷ niệm ngày xưa. Nhưng thú thật chỉ 15 phút thôi đã phải vội vã quay về vì không chịu nổi những tiếng chửi thề thô tục vang vang khắp phố”!

Cách đây vài ngày, tôi có đọc được một bài viết về nội dung bộ phim nổi tiếng King’s speech (Diễn thuyết của nhà vua) đoạt bốn giải Oscar, công chiếu vào cuối năm 2010 nhưng phải chịu giới hạn “cấm khán giả dưới 17 tuổi nếu không có người lớn đi kèm”. Lý do vì trong phim có 12 lần xuất hiện từ “fuck” (như Đ.M của VN). Đạo diễn của bộ phim Tom Hooper nói: “Ở Mỹ, luật lệ rất đơn giản: nếu từ fuck xuất hiện một lần trong phim, phim cấm khán giả dưới 13 tuổi. Nếu từ đó được nhắc hai lần, chắc chắn cấm khán giả dưới 17 tuổi nếu không có người lớn đi kèm”!

Để mọi người hiểu hết “tiên ố ngã khẩu”, để cái miệng chỉ nói những lời hay ý đẹp có lẽ cần phải bắt đầu bằng những quy định, những biện pháp chế tài chi li kiểu như vậy.

GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên