09/04/2011 09:45 GMT+7

Làm ăn lớn từ "cánh đồng mẫu lớn"

XUÂN TOÀN
XUÂN TOÀN

TT - Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện thí điểm tại An Giang đến nay dù chưa được tổng kết chính thức, nhưng kết quả bước đầu có thể khẳng định đã giải quyết thành công đầu ra cho người trồng lúa với mức giá cao.

Từ nhiều năm qua, mỗi khi đến vụ thu hoạch lúa người nông dân một nắng hai sương lại đứng ngồi không yên với nỗi lo tiêu thụ và giá bán sao cho có lời, còn cơ quan quản lý cũng đau đầu tìm giải pháp để tiêu thụ hết lúa cho nông dân. Tuy nhiên, sự ra đời của mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đã bước đầu cho thấy những lo lắng trên có thể giải quyết được.

Thật ra trước đây ở nhiều địa phương, các doanh nghiệp đã triển khai những mô hình tương tự với các loại nông sản, thủy sản khác như mía, khoai mì, cá... Khi đó ban đầu người nông dân được hỗ trợ giống, vốn..., đến khi thu hoạch doanh nghiệp sẽ bao tiêu đầu ra. Đến nay có những mô hình vẫn tồn tại và phát triển tốt, song cũng có không ít mô hình chỉ được một vài vụ sau đó “chết yểu”.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng hầu hết những mô hình đổ vỡ trên là do quyền lợi giữa đôi bên (nông dân và doanh nghiệp) không được ràng buộc chặt chẽ và minh bạch. Chính vì vậy, có một số trường hợp khi giá nông sản lên thì nông dân phá “hợp đồng” bán ra bên ngoài, còn khi giá xuống thì doanh nghiệp... chạy làng.

Trở lại mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, cách làm của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang được các chuyên gia cho rằng khá bài bản, khi đầu tư khá kỹ hệ thống hậu cần phục vụ việc sản xuất, tiêu thụ lúa như kho chứa, nhà máy xay xát, giống... Kể cả việc hỗ trợ nông dân phân bón, thuốc trừ sâu... ngay từ đầu vụ và không tính lãi. Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ sư nông nghiệp của công ty luôn sát cánh cùng người nông dân từ khi gieo sạ đến khi thu hoạch sẽ đảm bảo được chất lượng hạt gạo đồng đều khi đưa ra thị trường.

Chính điều này đã khắc phục một trong những điểm yếu lớn nhất của gạo Việt Nam lâu nay là pha tạp nhiều chủng loại nên giá bán trên thị trường thế giới luôn thấp hơn gạo Thái Lan. Nay khi chất lượng gạo được nâng lên thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể bán giá cao trên thị trường. Điều này cũng lý giải vì sao Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang dám mạnh dạn mua lúa của nông dân với giá cao hơn thị trường từ 300-400 đồng/kg trong mấy ngày qua.

Quan trọng hơn, mô hình này đã giải quyết được vấn đề manh mún về đất đai trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề quy hoạch... vốn là những rào cản ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cơ giới hóa trong nông nghiệp bao lâu nay. Hay nói khác đi, chỉ có thực hiện hợp tác xã kiểu mới như trên mới mong ngành lúa gạo Việt Nam thật sự làm ăn lớn, cạnh tranh ngang ngửa với lúa gạo các nước khác trên thế giới.

Dù vẫn dừng ở một mô hình thí điểm của một doanh nghiệp và hiện tại vẫn còn quá sớm để khẳng định thành công hoàn toàn của mô hình, song với những gì đạt được qua vụ đầu tiên rất cần sự mổ xẻ, đánh giá của các cơ quan chuyên môn trước khi triển khai áp dụng đại trà.

Bài học lúa tồn đọng và rớt giá mỗi kỳ thu hoạch có lẽ vẫn đang là nỗi ám ảnh của hàng chục triệu nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, rất cần thiết phải giải quyết dứt điểm vấn đề trên bằng những bước đi căn cơ và ổn định hơn, thay vì chỉ tính đến những phương án đối phó như lâu nay thường thấy.

XUÂN TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên