19/03/2011 08:06 GMT+7

Thảm họa không của riêng ai!

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Chiều 18-3. 14 giờ, một người đàn ông đến với một tập tiền đủ loại và danh sách những người đóng góp. Anh là một thợ sửa xe ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Anh lên TP.HCM để mua hàng, luôn tiện đến báo Tuổi Trẻ để đóng góp giúp đỡ nạn nhân động đất - sóng thần Nhật Bản.

Nghĩ mình chỉ có khả năng đóng góp 100.000 đồng, anh liền nói với mấy người hàng xóm.

Lập tức chị bán hàng xén bên cạnh góp 50.000 đồng, tiệm thuốc tây đối diện góp 1,5 triệu đồng, ông bác sĩ nhà bên góp 500.000 đồng... “Hòm hòm là tôi lên đường” - anh kể.

16g30, phòng tiếp bạn đọc bỗng chốc chật ních với những cô cậu bé trong đồng phục học sinh hay váy áo sặc sỡ đến cùng cha mẹ sau giờ tan học. Có cô bé xòe ra sáu tờ 1 đôla khoe đây là tiền lì xì tết vừa rồi. Có cậu bé đóng vài trăm ngàn đồng nói đây là tiền con xin ba mẹ...

Khi truyền hình quay cảnh những con sóng cuốn đi xe hơi, máy bay, nhà cửa, xa lộ và cả những con người đang ở trong đó như những món đồ chơi, khi báo đăng hình ảnh những người Nhật từ già đến trẻ cầm ly mì đứng chờ nước nóng trong gió tuyết, khi những tin dữ về dư chấn, về rò rỉ phóng xạ, về số người chết và mất tích liên tục dội về..., người ta một lần nữa nhận ra sự nhỏ nhoi của con người trước thiên nhiên.

Khi địa tầng rúng động, mọi phương tiện kỹ thuật hiện đại đều trở nên bất lực, thậm chí lại treo trên đầu con người một thảm họa lơ lửng tiếp theo như những nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản hiện giờ.

Chỉ có tình yêu thương của con người với con người mới lớn hơn sóng thần, mới không thể đo đạc bằng những thước đo như độ Richter. Những câu chuyện về tình người từ Nhật Bản đang tiếp tục làm rung động trái tim của mọi người trên thế giới.

Và tình yêu thương thì không phân biệt giàu nghèo.

Nhật Bản với Việt Nam vốn có nhiều mối liên hệ từ hàng trăm năm, duyên nợ cũng có, ân tình lại càng nhiều. Còn sóng, còn gió, còn bầu trời, còn đại dương, còn địa tầng... thì hẳn nhiên là của chung. Thảm họa thiên nhiên xảy ra ở Nhật Bản không phải là chuyện riêng của người Nhật.

Thiên nhiên không phân biệt quốc tịch.

Vì vậy khi tiếp nhận tiền của một em bé Việt Nam ủng hộ một em bé Nhật Bản, chúng ta vô cùng xúc động. Những cảm xúc tự nhiên trong em đã nhận ra mối liên hệ mật thiết giữa mình và bạn nhỏ đang co ro bơ vơ trong giá rét mà em thấy trên truyền hình.

“Trái đất này là của chúng mình...”, câu hát từ những ngày thơ bé vọng về. Trái đất chỉ có một, mặt trời chỉ có một và thảm họa thì không của riêng ai. Chung tay với người Nhật hôm nay không chỉ giúp người Nhật, mà là chúng ta đang cứu Trái đất này, đang cứu lấy chính mình.

Mỗi người đến đóng góp ở báo Tuổi Trẻ đều nhận được một thư cảm ơn dùng thay phiếu thu. Mọi khi, chúng tôi thường thay mặt các nạn nhân để cảm ơn bạn đọc. Hôm nay, chúng tôi xin thay mặt chính chúng ta, chính Trái đất để cảm ơn những bạn đọc đã xóa mọi biên giới, mọi khoảng cách trong trái tim mình.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên