27/02/2011 09:00 GMT+7

Nhà thương

PHẠM XUÂN DŨNG
PHẠM XUÂN DŨNG

TT - Hồi bà ngoại tôi còn sống, khi nào bị bệnh phải đi viện, bà đều nói: “Đi nhà thương”! Lấy làm lạ, tôi hỏi thì bà giải thích: ”Bệnh viện chính là nhà thương, vì nơi ấy cần nhất tình thương”.

Không biết cách giải thích của bà tôi có chuẩn xác không, bởi cũng có người bảo “gọi bệnh viện là nhà thương là vì ai bị thương thì vào đấy”, nhưng tôi vẫn thích cách hiểu “nơi ấy cần nhất tình thương”. Và cũng từ đó, đầu óc non nớt của tôi biết thêm một điều sơ đẳng về lòng nhân ái. Đã là bệnh viện mà thiếu vắng tình thương thì đáng sợ biết chừng nào.

Nhưng bây giờ người ta lại sợ nhất là đi bệnh viện. Dĩ nhiên trước hết ai lại muốn mình hoặc người thân gặp phải ốm đau, tai nạn. Nhưng không phải hễ muốn là được. Vậy là hầu như ít ai tránh được bệnh viện. Người ốm đau, hoạn nạn thì đông mà bác sĩ lại thiếu, nhất là bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương thường xuyên quá tải.

Rất nhiều thầy thuốc phải làm việc bận rộn, căng thẳng, nhiều lúc mệt mỏi quá sức. Vào viện phải chen nhau, ra viện cũng phải sốt ruột đứng chờ làm thủ tục. Ngay cả cấp cứu lắm khi cũng phải điên đầu chờ đợi vì nhiều lý do chính đáng lẫn không chính đáng. Vậy là nảy sinh tiêu cực. Vậy là phải viện đến những mối liên hệ quen biết, và đương nhiên không loại trừ cả phải “lót tay”.

Thế rồi thành lệ, ai cũng phải chịu đựng với môi trường bận rộn, mệt mỏi, căng thẳng và ta thán; vẫn phải “sống chung với lũ”, từ bệnh nhân, người nhà đến cả y, bác sĩ. Rồi mọi người cũng phải quen như thể cuộc đời sinh ra vốn thế.

Thầy thuốc là một nghề đặc biệt nhạy cảm với môi trường xã hội, phải nhọc nhằn làm dâu trăm họ, trong khi đồng lương hành chính ít ỏi thì làm gì đủ sống, và để trở thành một bác sĩ, người học phải có năng lực, ý chí theo đuổi suốt một thời gian khá dài, đầu tư trí tuệ, tâm lực và bạc tiền khá lớn mới thành nghề.

Công bằng mà nói, nhiều thầy thuốc được bệnh nhân quý trọng, được xã hội thừa nhận. Công lao của họ không nhỏ. Nhưng cũng công bằng mà nói, một số người khác không được như thế. Vậy là bao tiếng than phiền, chê trách và bức xúc. Biết làm sao được, có thể lời chê có chỗ bất công nhưng cơ bản là vẫn có lý do của nó.

Hai tiếng “nhà thương” gần như đã vắng hẳn đi trong lời nói hằng ngày. Tôi nhớ trong một vở kịch nước ngoài, một nhân vật đã nói: ”Yêu thương con người, đó là nhiệm vụ khó khăn kinh khủng!”. Có đúng như vậy không mà hai tiếng “nhà thương” ngày càng ít được dùng?

PHẠM XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên