18/02/2011 07:05 GMT+7

Xe công lại đi lễ chùa

DƯƠNG TRUNG QUỐC (đại biểu Quốc hội) - LÊ KIÊN ghi
DƯƠNG TRUNG QUỐC (đại biểu Quốc hội) - LÊ KIÊN ghi

TT - “Xe công đi lễ chùa”. Cụm từ ấy đã trở nên quá quen thuộc từ nhiều năm nay, cứ đến hẹn lại lên trong mỗi mùa lễ hội. Các tờ báo điện tử lại vừa đăng tải hình ảnh hàng chục xe biển xanh, biển đỏ từ nhiều nơi đổ dồn về đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) để đi lễ ngay trong ngày làm việc đầu tuần.

Trên các diễn đàn, nhiều người đặt ra cùng một câu hỏi: tại sao pháp luật vẫn bị khinh nhờn, vẫn bị đùa giỡn trước mặt bàn dân thiên hạ, ngay tại những nơi chốn tâm linh thâm nghiêm?

Thủ tướng đã có chỉ thị nghiêm cấm cơ quan, đơn vị nhà nước dùng xe công đi lễ chùa, cấm công chức dùng xe công vào việc riêng. Thủ tướng cũng từng yêu cầu xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị có xe công đi lễ chùa bị báo chí nêu. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng vừa cấm công chức thủ đô không đi lễ chùa trong giờ hành chính.

Mới đây nhất, tại hội nghị triển khai công tác bầu cử, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các lãnh đạo địa phương hạn chế việc đi đền chùa, lễ lạt, tập trung thời gian cho công tác chỉ đạo sản xuất và bầu cử... Vậy tại sao những quy định, chỉ thị, yêu cầu đúng đắn, nhận được sự ủng hộ của dư luận như vậy vẫn tồn tại song song với sự ngang nhiên thách thức pháp luật?

Với tư cách là một đại biểu Quốc hội vừa là một người làm sử, tôi nhìn vấn đề dưới góc độ tập tính rất không tốt của người VN là không có truyền thống làm theo luật. Và ở khía cạnh khác, nó cho thấy sự bất lực, thiếu tính khả thi của luật pháp. Cấm xe công đi lễ chùa không phải là một việc khó, chí ít nó cũng dễ thực hiện hơn nhiều các quy định pháp luật khác, vì việc dùng xe công đi lễ chùa diễn ra hết sức lộ liễu, công khai và chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để phát hiện và xử lý.

VN vẫn thường tự hào rằng có hệ thống chính trị rộng khắp, bao phủ ở mọi nơi, không có chuyện gì có thể lọt qua tai mắt của các tổ chức chính trị, xã hội. Tại sao chúng ta không dùng các tổ chức ấy để phát hiện, lên án? Và một khi người ta không có lòng tự giác thì phải có biện pháp mang tính chất hành chính, răn đe nghiêm minh chứ. Chỉ cần một ôtô biển xanh, biển đỏ đỗ trước các hội hè, đình đám là công an hoàn toàn có thể căn cứ vào chỉ thị của Thủ tướng để kiểm tra, xử lý. Tại sao họ không làm với một việc dễ như vậy?

Tôi cho rằng chuyện lãng phí tiền bạc, thời gian của bộ phận quan chức, công chức cùng với những chiếc xe công đi lễ chùa tuy lớn, nhưng nó không lớn bằng việc mất lòng tin của người dân vào các quy định của luật pháp, các chỉ đạo của nhà lãnh đạo. Đảng viên chỉ là một bộ phận nhỏ trong công chúng, công chức cũng chỉ là một bộ phận nhỏ trong công chúng, quan chức lại càng là một bộ phận nhỏ hơn, những chiếc xe công cùng với họ đi lễ chùa diễn ra trước mặt muôn dân sẽ làm mất đi niềm tin của dân chúng, cảnh ấy diễn ra nhiều năm thì lòng tin qua mỗi năm lại bị mất thêm một ít. Đấy là sự thật.

Tất nhiên, trong bất cứ chuyện gì thì nói cũng luôn dễ hơn làm. “Thuốc chữa” cho nạn này không gì khác ngoài sự giáo dục, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức; sự lên án của xã hội trước hành vi coi thường phép nước; việc sử dụng các biện pháp hành chính, chế tài để răn đe; nhất là bằng tính gương mẫu của những người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị công quyền.

DƯƠNG TRUNG QUỐC (đại biểu Quốc hội) - LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên