18/12/2010 06:34 GMT+7

Những bài học nhỏ từ người thầy lớn

TS QUÁCH THU NGUYỆT (nguyên giám đốc NXB Trẻ)
TS QUÁCH THU NGUYỆT (nguyên giám đốc NXB Trẻ)

TT - Là người học sử và khi ra trường làm những công việc có liên quan đến sử, với cây đại thụ của ngành sử học như giáo sư Trần Văn Giàu, tôi luôn kính trọng, yêu quý và xem ông là người thầy lớn.

Bài học đầu tiên - Học sử để làm gì?

Thuở mới về công tác tại Nhà văn hóa Thanh niên, trong một lần đến nhà mời bác Sáu (tên gọi thân mật của giáo sư Trần Văn Giàu) nói chuyện cho thanh niên TP về Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn, tôi ngây thơ nói: “Xin bác Sáu cho con gọi bằng thầy dù con chưa học bác ngày nào nhưng bác là thầy dạy của thầy con thì cũng là thầy của con” (các thầy dạy của tôi ở Đại học Tổng hợp những ngày đầu giải phóng là Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng - đều là học trò của giáo sư Trần Văn Giàu).

Bác Sáu quay sang hỏi tôi: “Học sử là để làm gì con biết không?”.Tôi, cô sinh viên mới ra trường được vài năm còn “non tơ”, đã chết đứng vì câu hỏi bất ngờ của bác. Tôi lúng túng, ấp úng trả lời lòng vòng... Bắt bí được cô trò nhỏ, bác cười hiền giảng giải: “Học sử là để biết và không quên cội nguồn. Người làm sử phải chép lại quá khứ bằng sự thật một cách khách quan, khoa học”.

Bài học thứ hai - Làm sách sử là phải nhắm đến đối tượng trẻ.

Khi về công tác tại Nhà xuất bản Trẻ, tôi trực tiếp tổ chức các mảng sách giáo dục truyền thống, mảng đề tài liên quan đến các nguồn sử liệu. Các công trình “nặng ký“ như Tiếng hát những người đi tới, Côn Đảo ký sự và tư liệu, Từ điển Sài Gòn - TP.HCM, Theo nhịp khúc lên đàng, Sơ lược lịch sử Đoàn thành phố, Kiều bào và quê hương... sau khi in xong, tôi đem sách biếu và cũng muốn khoe cùng bác.

Bác Sáu khen, động viên nhưng liền sau đó nhắc nhở: “Con làm sách giáo dục truyền thống là tốt rồi, nhưng nên nhớ sách làm ra không phải để cho những ông già như bác đọc đâu, mà chính là phải làm sao cho giới trẻ tìm đọc để biết được truyền thống dựng và giữ nước của dân tộc”.

Bác Sáu cũng nhắc nhở cách thể hiện những bài học lịch sử phải sao cho thật hấp dẫn với thanh niên. Nhiều lần trao đổi về chuyện sách vở, nhất là sách sử, bác thường đau đáu mong ước làm sao có những bộ sử Việt Nam được viết theo kiểu chương hồi như Tam Quốc Chí của La Quán Trung, phải làm sao cho giới trẻ say mê và đọc sách lịch sử Việt Nam...

Công trình Lịch sử Việt Nam gồm sáu tập (Nhà xuất bản Trẻ đã xuất bản ba tập), theo đề nghị của nhóm chủ biên gồm giáo sư Trần Văn Giàu và nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã được chuyển thể thành Bộ sách lịch sử Việt Nam bằng tranh chính là mong muốn nhắm đến giới trẻ.

Nghiệm lại những bài học nhỏ từ người thầy lớn, tôi thầm cảm ơn bước ngoặt hay chính ngã rẽ cuộc đời bác Sáu khi chuyển từ một nhà chính trị sang một nhà giáo dục, nhà khoa học để hôm nay khi vĩnh biệt thế gian, bác Sáu thanh thản để lại cho đời những công trình khoa học giá trị và bao lớp thế hệ học trò sẽ tiếp nối sự nghiệp trồng người mà người thầy lớn, giáo sư Trần Văn Giàu đã gieo hạt.

Vĩnh biệt bác Sáu, vĩnh biệt người thầy lớn.

TS QUÁCH THU NGUYỆT (nguyên giám đốc NXB Trẻ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên