17/11/2010 07:12 GMT+7

Để không còn nỗi ám ảnh "xả lũ"

 TS HỒ NGỌC PHÚ (nguyên giám đốc Sở Thủy lợi Thừa Thiên - Huế)
 TS HỒ NGỌC PHÚ (nguyên giám đốc Sở Thủy lợi Thừa Thiên - Huế)

TT - Người dân miền Trung năm nào cũng bị tổn thất nặng nề về người và của do lũ lụt gây ra. Khi xây các hồ thủy điện, chủ dự án nào cũng khẳng định với địa phương rằng hồ chứa sẽ có tác dụng giảm lũ cho hạ du. Nhưng tình hình thực tế thì không phải như vậy.

Video clip "Lũ vẫn không ngừng xả" - Nguồn: TVO

Thật ra, việc xây dựng các hồ chứa không thể gây ngập lụt trầm trọng cho hạ du. Người ta xây hồ để chống lũ, đó là một biện pháp quan trọng được áp dụng ở nhiều nước. Hồ thủy điện Hòa Bình với công suất phát điện lớn nhất nước hiện nay, khi phê duyệt vẫn lấy nhiệm vụ chống lũ cho hạ du, cho Hà Nội là ưu tiên số 1. Trong khi hiện nay, các chủ đầu tư xây dựng thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung chủ yếu để phát điện, rất ít dự án quan tâm chống lũ hạ du. Điều đó tất nhiên phải dẫn đến hoặc trữ nước cao trước khi lũ đến, hoặc xả lũ lớn vì sợ vỡ đập.

Hiện nay mới chỉ một số ít nhà máy thủy điện vận hành và xả lũ, vài năm tới số lượng nhà máy thủy điện đi vào vận hành càng nhiều. Nếu Nhà nước không có giải pháp xử lý mâu thuẫn giữa xả lũ và ngập lụt hạ du thì hậu quả tổn thất sẽ rất nặng nề. Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung hầu như không có hoặc sơ sài, chỉ có thể gọi là kế hoạch sơ bộ về xây dựng các công trình thủy điện mà thôi.

Tôi đề xuất kiểm tra lại toàn bộ quy hoạch sử dụng nước của tất cả các sông (ưu tiên ở các tỉnh miền Trung). Trên cơ sở quy hoạch sử dụng nước được duyệt mới lập quy hoạch thủy điện. Quy hoạch này nên giao cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phụ trách, vì bộ này quản lý lưu vực các sông và có tiềm lực mạnh về cán bộ trong lĩnh vực này.

Trước mắt lập đoàn cán bộ khoa học kỹ thuật (thủy lợi, thủy điện, thủy văn, môi trường...) để kiểm tra các dự án đang xây dựng hoặc chuẩn bị đưa vào vận hành xem có thiếu sót gì để khắc phục ngay. Đoàn này gồm những chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm, đúng ngành nghề, làm việc khách quan và nên giao cho Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam làm đầu mối thực hiện.

Nếu các công trình thủy điện đều của Nhà nước thì vấn đề điều phối giữa xả lũ và phát điện không quá khó, nhưng thực tế các công trình hiện nay thuộc nhiều loại sở hữu khác nhau (Nhà nước, tập thể, tư nhân...), các nhà máy thủy điện và hồ chứa lại nằm trên nhiều địa phương khác nhau, cho nên giao cho một ngành quản lý rất khó. Có thể nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý sông theo lưu vực, không theo địa giới hành chính. Mọi việc trên lưu vực do ủy ban quản lý lưu vực quyết định.

Ngoài ra, phải dùng biện pháp kinh tế để các chủ đầu tư quan tâm đến vấn đề xả lũ. Thủy điện xả lũ mà gây thiệt hại cho hạ du (so với khi chưa có công trình) thì chủ đầu tư phải đền bù cho dân. Dù xả đúng quy trình cũng phải đền vì quy trình đó do ngành điện xây dựng chưa chắc đã phù hợp với việc chống lũ hạ du, nhất là khi chưa có quy hoạch đúng hoặc quy hoạch sơ sài.

 TS HỒ NGỌC PHÚ (nguyên giám đốc Sở Thủy lợi Thừa Thiên - Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên