Đó là hệ quả tất yếu của sự thiếu minh bạch, chậm ban hành tiêu chí, thiếu hướng dẫn và không kịp thời kiểm tra, giám sát của cơ quan có trách nhiệm.
Từ khi Chính phủ có chủ trương này, cá nhân tôi đã cảnh báo gói hỗ trợ chỉ có tác dụng khi nó được rót đúng đối tượng, đúng địa chỉ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Còn nếu có sự móc ngoặc, trục lợi, gây méo mó trong chính sách sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế, làm các doanh nghiệp đang khó khăn càng thêm khó. Tôi được biết trong quá trình thực hiện, Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện sai phạm lên đến mấy nghìn tỉ đồng, nhưng đáng tiếc những sai phạm ban đầu không được xử lý rốt ráo, quyết liệt.
Tôi thấy có hai loại đối tượng vi phạm chính sách này gồm các ngân hàng thương mại vì lợi ích cục bộ và một số cán bộ thoái hóa biến chất lợi dụng chính sách đó để trục lợi cá nhân. Đây là hành động rất đáng lên án, chúng ta không thể chấp nhận để nó tồn tại trong hệ thống ngân hàng hiện đại.
Trong thời đại cạnh tranh, ngân hàng muốn được tín nhiệm phải tạo lòng tin cho khách hàng bằng sự minh bạch, công khai, nâng cao chất lượng dịch vụ. Những sự lùm xùm như vậy càng lớn càng gây tổn hại cho uy tín của ngân hàng nói riêng và tất nhiên nó gây tổn hại chung cho nền kinh tế, làm méo mó hoạt động của hệ thống ngân hàng và chính sách tiền tệ.
Để xảy ra tình trạng trên, tôi cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, trong phần lớn trường hợp không thể sai một phía được mà họ phải có sự thông đồng với nhau. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước phải chịu trách nhiệm trong việc hướng dẫn và giám sát thực hiện, từ việc xây dựng tiêu chí, phổ biến chính sách đến việc kiểm tra, xử lý đã không kịp thời, thiếu kiên quyết.
Tôi nghĩ rằng cùng với việc công bố số tiền sai phạm lên đến hàng ngàn tỉ đồng, Thanh tra Chính phủ sẽ phải công bố danh tánh các ngân hàng sai phạm. Vì khi đã phát hiện sai phạm phải xử lý, khi xử lý phải có địa chỉ chứ không thể nói chung chung được.
Dư luận đang đòi hỏi xử lý công khai, nghiêm khắc. Danh tánh các doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để vay về cho vay lại, có tiền nhưng vẫn cứ vay để trục lợi... cũng phải công khai và bị xử lý nghiêm, vì họ làm như vậy là hớt tay trên của doanh nghiệp khác, đẩy những doanh nghiệp khó khăn vào đường cùng. Nếu cơ quan chức năng che đậy việc xử lý thì các ngân hàng, doanh nghiệp sẽ hoạt động méo mó, tạo ra tiền lệ không tốt và gây nguy cơ lâu dài cho nền kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận