Phóng to |
Người dân vẫn phải tự trang bị máy phát điện khi ngành điện không cung ứng đủ |
Sẽ không bất ngờ với đề xuất của Hiệp hội Năng lượng nếu biết đây là kết quả của cuộc hội thảo được tài trợ và diễn giả chủ yếu là lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn như Dầu khí, Điện lực, Công nghiệp than - khoáng sản... Theo các tập đoàn, nhu cầu đầu tư cho điện rất lớn, từ nay đến năm 2025 lên tới vài chục tỉ USD, trong khi nguồn vốn huy động từ viện trợ phát triển (ODA), vay ngân hàng đang gặp khó khăn. Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN Đậu Đức Khởi trong hội thảo còn khẳng định vẫn thiếu điện nếu không thay đổi cơ chế giá điện. Ông Khởi cũng đề nghị bãi bỏ giá điện bậc thang vì với khoản bao cấp theo giá 600 đồng/kWh cho 50kWh sử dụng đầu tiên cũng có nghĩa là bao cấp cho cả người thu nhập cao... Những nội dung này đã được phản ánh trong đề xuất của Hiệp hội Năng lượng.
Nhà sản xuất điện có lý lẽ riêng khi muốn tăng giá điện và hiệp hội là người nêu đề xuất này cũng không có gì sai. Nhưng như một quan chức của Bộ Công thương, khi đề xuất tăng giá điện tới 50% thì những người đưa ra đề xuất này đã quên đi những tác động xã hội của việc tăng giá. Năm 2010, dù mới tăng chưa đến 10%, thêm giá cao cho điện sử dụng trong giờ cao điểm sáng, người dân nhiều nơi đã phải tiết giảm dùng điện, còn doanh nghiệp thì than khó.
Vì vậy, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) Tạ Văn Hường nêu câu hỏi không hiểu Hiệp hội Năng lượng dựa trên cơ sở nào mà có thể đưa ra mức giá mới. “Mỗi lần tăng giá, dù chỉ vài phần trăm, Bộ Công thương cũng phải mất mấy tháng để tính toán. Vì vậy, đề xuất của Hiệp hội Năng lượng khó khả thi” - ông Hường nói. Tương tự, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định muốn tăng giá, các cơ quan nhà nước phải tính toán rất kỹ các tác động đến xã hội, và việc này không đơn giản.
Một quan chức phụ trách vấn đề giá điện ở Cục Quản lý giá đặt câu hỏi: Nhu cầu vốn là vô cùng, ngành nào thiếu vốn cũng tăng giá thì thử hỏi giá sẽ tăng đến đâu? Đến năm 2020 VN mới có thị trường điện cạnh tranh. Hiện tại khi việc sản xuất, phân phối điện chưa theo thị trường, giá điện dù có theo thị trường thì cũng phải có lộ trình, không thể muốn là tăng được.
Còn GS Phạm Duy Hiển - nguyên viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Đà Lạt - cho rằng bên cạnh tăng giá, cùng nền kinh tế, EVN cần nỗ lực hơn nữa để giảm chi phí đầu vào như tổn thất điện năng, năng suất lao động, giảm định mức tiêu thụ vật liệu... để giảm giá thành hay ít nhất giảm mức tăng giá điện vì tiềm năng trên ở EVN còn nhiều.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng đằng sau đề xuất của Hiệp hội Năng lượng là những tính toán, khởi đầu cho việc tăng giá điện với mức sốc? Nhưng người dân cũng hiểu rằng Bộ Công thương khẳng định cơ chế điều hành giá điện là dần tiến tới thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước, theo hướng tăng giá nhưng không được gây sốc.
Ở thời điểm này, có thể các đề xuất này chưa đến tay các cơ quan chức năng, nhưng nó đã được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Ít nhiều thông tin này cũng đã gây hoang mang cho nhiều người dân. Vì vậy, các cơ quan chức năng không thể đứng ngoài cuộc, sớm có câu trả lời có hay không một lộ trình tăng giá điện gây sốc và việc đề xuất này là vì ai (!?).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận