28/07/2010 07:04 GMT+7

Những câu hỏi về "tiến sĩ giấy"

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Lại một vụ việc cười ra nước mắt khi ông Phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Nguyễn Văn Ngọc nhận bằng “tiến sĩ” chỉ sau sáu tháng “tu nghiệp”. Cái tên Đại học Nam Thái Bình Dương vốn đã nổi như cồn khi lộ ra trường hợp ông giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Phú Thọ được cấp bằng “tiến sĩ Hoa Kỳ” cũng ở trường “quốc tế” này dù không hề biết tiếng Anh.

Không thể học tiến sĩ trong 6 thángPhó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái học tiến sĩ chỉ 6 tháng

Nay với một “tiến sĩ” là lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, Đại học Nam Thái Bình Dương - vốn đã bị tòa án giải thể từ năm 2003 - sẽ ghi danh là “bà đỡ” mát tay cho giấc mộng khoa bảng của một số quan chức không học nhưng lại muốn có bằng!

Thật ra việc cảnh báo về một loạt cơ sở đào tạo không được hệ thống kiểm định giáo dục Hoa Kỳ công nhận xuất hiện tại VN và chiêu sinh ồ ạt đã không còn là chuyện mới mẻ. Viện Giáo dục Hoa Kỳ (IIE) tại VN - một tổ chức có uy tín trong hợp tác giáo dục giữa hai nước - đã nhiều lần khuyến cáo về các “xưởng đào tạo” mà thực chất là mua bán bằng cấp đang có xu hướng nở rộ.

Gần đây nhất, ngày 2-7-2010, tiến sĩ Mark A. Ashwill, nguyên giám đốc của viện, đã cập nhật tên 21 “trường ĐH” dạng này, trong đó ĐH Nam Thái Bình Dương xếp thứ 19. Đáng chú ý, trước đó bằng thạc sĩ của ông phó bí thư cũng được cấp từ một trường ĐH trong danh sách “đen” trên nhưng lại được “đóng dấu bảo đảm” là sản phẩm liên kết giữa Khoa quản trị kinh doanh Đại học Quốc gia Hà Nội với “đại học” Irvine có xuất xứ Hoa Kỳ (!).

Chỉ lướt qua website của một số cơ quan, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, các ngân hàng thương mại..., sẽ thấy có rất nhiều cán bộ chủ chốt đang “sở hữu” những tấm bằng “sang” từ một trường quốc tế “dỏm” mà vị cựu giám đốc Viện Giáo dục Hoa Kỳ tại VN đã nêu đích danh. Cùng với hàng trăm tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ “dỏm” đều đều xuất xưởng là hàng loạt cán bộ - công chức nghiễm nhiên có thêm cơ hội thăng quan tiến chức. Và sự giả dối sẽ có thêm đất lộng hành nếu những tấm bằng dỏm kia vẫn nằm im trong ngăn tủ hồ sơ quan liêu mà không được kiểm soát bằng công luận và các cơ quan có trách nhiệm một cách thích đáng.

Bộ GD-ĐT, cơ quan “gác cửa” về lĩnh vực này, đã không hề có động thái ngăn chặn nào trước sự “xâm thực” của các “đại học dỏm”. Thậm chí, một số cơ sở đào tạo trong nước do bộ quản lý lại chính là “cầu nối” cho các trường “đại học ma” xâm nhập thông qua các chương trình liên kết. Và rồi những cơ sở giáo dục này đã hướng dẫn cho những kẻ háo danh, háo chức tìm kiếm văn bằng “dỏm”.

74 triệu đồng không phải là lớn so với nhu cầu “tự học, tự nâng cao kiến thức ngoài giờ” như vị phó bí thư phân trần. Song với rất nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh miền núi Yên Bái, số tiền đó là cả một giấc mơ. Trớ trêu là ông Ngọc đã được nhận tiền hỗ trợ cho việc đi học lấy bằng tiến sĩ “dỏm” từ ngân sách theo chủ trương... “ưu đãi nhân tài”.

Không biết bao nhiêu “nhân tài” kiểu này đã được “ưu đãi” và càng không thể biết những “nhân tài” đó đã giúp ích gì cho sự phát triển của địa phương và đất nước? Ngân sách nhà nước đã và sẽ còn phải chi bao nhiêu tiền cho tấm bằng “làm sang” của những “tiến sĩ giấy”? Các cơ quan làm công tác tổ chức liệu có bị mê hoặc bởi những tấm bằng không rõ nguồn gốc để đặt cán bộ học vị “mập mờ” ngồi “nhầm ghế”? Những câu hỏi nóng bỏng này đang cần lời giải đáp thỏa đáng từ Bộ GD-ĐT và các cơ quan có trách nhiệm trong công tác tổ chức - cán bộ.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên