01/07/2010 07:06 GMT+7

Học ngoại ngữ nhưng nói không được

 Gs VÕ TÒNG XUÂN
 Gs VÕ TÒNG XUÂN

TT - Bài viết “Nhốn nháo “săn” chứng chỉ ngoại ngữ” (Tuổi Trẻ 29-6) đã phản ánh trung thực hiện trạng chất lượng của sản phẩm giáo dục VN mà Bộ GD-ĐT đã và đang chỉ đạo từ bậc phổ thông đến đại học. Phần lớn các trường phổ thông bắt đầu dạy tiếng Anh, hoặc một ngoại ngữ khác, từ lớp 6. Một số ít trường đã bắt đầu dạy ngoại ngữ từ bậc tiểu học.

Các thầy cô dạy ngoại ngữ ở bậc phổ thông phải dạy đúng theo chương trình của bộ, từ chương trình lạc hậu cũ đến chương trình theo sách giáo khoa mới thay từ năm học 2005-2006, phải rất chật vật dồn nén các nội dung kiến thức dạy nhanh trong mỗi tiết học để không cháy giáo án, thì không có thì giờ đâu để cho học sinh thực tập hai kỹ năng nghe và nói.

Do đó suốt bảy năm trời học tiếng Anh ở bậc phổ thông chỉ để làm bài thi trắc nghiệm “abc khoanh” mà thôi, tốt nghiệp rồi mà giao tiếp chả được gì, ngoại trừ những học sinh có khiếu và được đi học thêm ngoại ngữ ngoài giờ học trong trường. Lên bậc đại học, sinh viên tiếp tục học ngoại ngữ suốt bốn năm, nhưng đại bộ phận sinh viên tốt nghiệp rồi mà nói ngoại ngữ người ta không hiểu và cũng không hiểu người ta nói gì!

Vì thế trên báo Tuổi Trẻ Xuân Canh Ngọ (1990) tôi đã khuyến khích thanh niên mỗi người cần phải trang bị cho mình hai vũ khí cần thiết để đi vào thế giới cạnh tranh toàn cầu hóa là tiếng Anh và tin học. Nhưng không biết có bao nhiêu người đã hưởng ứng?

Cho đến lúc này Bộ GD-ĐT vẫn chưa có chủ trương kiên quyết bắt buộc về sử dụng thông thạo ngoại ngữ và tin học đối với sinh viên tốt nghiệp đại học. Đây là một bất lợi rất lớn cho VN chúng ta. Tai hại tiếp nối tất yếu sẽ đến khi xét tiêu chuẩn của các ứng viên phó giáo sư và giáo sư VN.

So với quốc tế, các bạn láng giềng châu Á như Philippines, Malaysia, Hong Kong, Singapore, Brunei học bằng tiếng Anh từ tiểu học nên tốt nghiệp đại học họ sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Nhìn xa sang châu Âu và châu Phi, học sinh tốt nghiệp trung học rồi là biết rành ít nhất một ngoại ngữ, thường là hai ngoại ngữ.

Cá biệt như Thụy Sĩ, học sinh và sinh viên đều biết bốn thứ tiếng: bản ngữ Đức, Pháp, Ý, và ngoại ngữ Anh. Học sinh bậc tiểu học đã biết hai bản ngữ rồi, thêm vào vốn tiếng mẹ đẻ; lên trung học học sinh học tiếp bản ngữ thứ ba và tiếng Anh.

Ở nước ta, các công ty nước ngoài vào đầu tư đều than phiền về khả năng kém tiếng Anh và tin học của sinh viên tốt nghiệp đại học của chúng ta. Và các cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp trong nước cũng phải chịu thiệt thòi khi thu nhận những người tốt nghiệp đại học mà trình độ ngoại ngữ thì “nói người ta không hiểu, và người ta nói thì mình cũng không hiểu luôn”.

Tình trạng ù ù cạc cạc về ngoại ngữ của học sinh và sinh viên VN sẽ tiếp tục dài dài, tính cạnh tranh của nguồn nhân lực VN sẽ tiếp tục thua sút nước khác, khi nào Bộ GD-ĐT chưa dám thay đổi chương trình đào tạo các giáo viên ngoại ngữ tại trường sư phạm và nội dung chương trình dạy ngoại ngữ trong các lớp phổ thông, ở bậc đại học.

Phải có thầy cô lão luyện cách dạy ngoại ngữ có hiệu quả cao, đồng thời phải có nội dung chương trình phổ thông cải tiến vừa phải để chừa thời gian cho thực tập đủ bốn kỹ năng đọc, viết, nghe, nói thì học sinh và sinh viên của chúng ta mới thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, ngang tầm quốc tế được.

 Gs VÕ TÒNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên