22/04/2010 08:56 GMT+7

"Sính ngoại" và "sính bằng"

THU HÀ
THU HÀ

TT - Shirakawa-go, một ngôi làng cổ trên núi của Nhật Bản, là di sản văn hóa thế giới từ năm 1995. Làng có 1.800 người dân sinh sống, nhưng trung bình mỗi năm đón tới 1,7 triệu lượt khách, trong đó có đến 1,6 triệu lượt khách nội địa.

Trưởng làng nói: “Chúng tôi tự hào không chỉ vì làng chúng tôi là di sản văn hóa thế giới, mà điều chủ yếu là vì đến giờ này dân làng vẫn giữ được những ngôi nhà cổ “mái chắp tay” bằng tranh dày đến 1m, độc nhất vô nhị trên thế giới.

Và hằng năm, mỗi khi nhà nào có việc cần sửa chữa hoặc thay mái tranh mới, cả làng vẫn đến làm giúp, chỉ một ngày là đã tươm tất. Khách nước ngoài đến đây ít vì đường sá quá xa xôi. Nhưng chúng tôi biết với Shirakawa-go, điều quan trọng là cuộc sống dưới những mái tranh “chắp tay” này là truyền thống tinh thần của người Nhật mà chúng tôi cố gắng gìn giữ”.

Trông người mà ngẫm đến ta. Hàng loạt di sản của chúng ta đang cố gắng để được đưa vào danh sách di sản thế giới bằng mọi giá, để khách quốc tế đến bằng mọi giá. Quan họ, ca trù được công nhận rồi xẩm, xoan ghẹo cũng phải trình hồ sơ, sau này có thể cả tuồng, chèo, cải lương, bài chòi, ví dặm... Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng được xướng tên trên bảng vàng rồi thì Cúc Phương, Phanxipăng cũng nhấp nhổm xếp hàng.

Tâm lý “UNESCO hóa”, quốc tế hóa hay nói thẳng ra là “sính ngoại” đang lan tràn...

Cách đây gần mươi năm, lúc sinh thời, cố GS Trần Quốc Vượng từng than thở: không gì khổ tâm bằng đi điền dã, về làng nào, xã nào cũng thấy các cụ bô lão, tóc bạc phơ, xách con gà chai rượu đến “có lời” với các giáo sư: “Các thầy chấm cho đình (chùa, lăng, miếu, nhà thờ họ) làng (họ, xã) chúng em thêm điểm để lên di tích. Đình (chùa, lăng, miếu) làng bên có hơn gì làng chúng em đâu mà cũng được cấp bằng quốc gia hết rồi!?”.

GS Vượng chua chát: “Cứ làm như không có cái bằng di tích quốc gia thì đình làng mình không đẹp, chùa làng mình không thiêng, nhà thờ họ mình không tôn nghiêm bằng những thứ của làng bên cạnh”!

Trong khi thói “sính bằng” trong quản lý di sản vẫn đang còn rất trầm trọng thì đến thời của bệnh “sính ngoại”. Bất chấp nhiều chuyên gia như KTS Hoàng Đạo Kính, nhà sử học Dương Trung Quốc... kiên trì nhẫn nại thuyết phục từ 15 năm nay là Hà Nội chỉ có phố cũ, nhiều người vẫn kiên quyết “phong tặng” nó danh hiệu phố cổ.

Một “đại sứ di sản”, ông Trương Quốc Bình, nguyên cục phó Cục Di sản, kể lại những bài học đau đớn khi đi thuyết minh hồ sơ di sản với các chuyên gia UNESCO: “Khi chúng tôi đang ra sức kể về giá trị của rừng nguyên sinh, của những hang động đá vôi, của những cây chò ngàn tuổi và thảm thực vật độc đáo ở Cúc Phương thì “ùng, oàng”- tiếng mìn phá đá nổ như sấm, đất đá văng tung tóe, văng cả vào người chúng tôi lẫn chuyên gia”.

Có thể hình dung ra sự ngượng ngùng, khó xử, thậm chí bẽ bàng của vị “đại sứ di sản VN” lúc ấy, và hiểu vì sao ông kết luận: “Vấn đề của Cúc Phương không phải là danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới, mà là phải chấm dứt nạn phá rừng và nổ mìn phá đá lập tức”.

Cũng như thế, với ca trù, quan họ, bia Văn Miếu, kinh thành Huế hay Hội An..., điều chúng ta cần đâu phải chỉ là một danh hiệu, một tấm bằng? Có lẽ chúng ta cần con cháu biết nghe ca trù, biết hát quan họ, biết tôn trọng danh nhân trên bia, biết đi bộ và không xả rác trên phố cổ, vào Thế Miếu biết bỏ mũ, đi qua chùa Cầu biết nhẹ chân vì nó bằng gỗ và đã hàng trăm năm tuổi...

Những giá trị bé nhỏ đơn sơ vô hình ấy không danh hiệu nào, bằng cấp nào đong đếm được. Chỉ có “ta” biết với “ta”, “ta” tự trải nghiệm và giáo dục “ta”.

Chỉ khi đó, di sản mới thật sự là di sản, chưa cần đến “ngoại” và “bằng”, như ngôi làng cổ trên núi của Nhật Bản, quý nhất là mùa xuân đến cả làng vẫn xúm nhau lại để giúp một nhà cùng thay mái tranh mới.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên