13/04/2010 08:09 GMT+7

Không loại bỏ học sinh yếu, cách nào?

TS HỒ THIỆU HÙNG
TS HỒ THIỆU HÙNG

TT - Từ nhiều năm nay, rất nhiều trường phổ thông trước áp lực thành tích đã dùng cách loại bớt học sinh mà trường đánh giá là không đủ trình độ để tốt nghiệp. Kết quả là đến học kỳ 2 thì lớp cuối cấp chỉ còn lại những học sinh mà trường nhắm có khả năng bảo đảm tốt nghiệp theo học mà thôi.

Được hỏi sao là trường phổ thông mà phải làm như vậy, có hiệu trưởng lâu năm thẳng thắn trả lời làm như vậy có nhiều cái lợi.

Thứ nhất là tỉ lệ tốt nghiệp sẽ cao một cách “thực chất”, trường sẽ được ngành và xã hội đánh giá cao; thứ hai là cứ đạt như vậy vài năm thì tự nhiên đầu vào của trường sẽ được nâng lên rõ rệt vì học sinh giỏi vào đông, trường có thể nâng cao điểm chuẩn để chọn lựa “gạo cội”; thứ ba là học sinh giỏi thì chịu học lại dễ dạy hơn, thành ra lao động của giáo viên cũng bớt cực nhọc hơn mà thành quả cũng cao hơn, giáo viên có thành tích thi đua cao hơn nên ai cũng phấn khởi.

Đây chính là vòng tuần hoàn nâng uy tín.

Tuy nhiên cũng có hiệu trưởng suy nghĩ khác: nếu trường phổ thông nào cũng áp dụng chính sách loại bỏ học sinh yếu như vậy thì các em bị loại từ đầu hay giữa lớp cuối cấp sẽ học ở đâu? Dù các em có được trường vừa loại bỏ mình ra ưu ái giới thiệu chuyển trường thì khó có trường dám nhận các em vào giữa năm học lớp cuối cấp. Vậy là chạy cùng sào rơi vào trường bổ túc văn hóa vốn được lập ra cho người lớn đi học hay tệ hơn nữa là bất mãn nghỉ học luôn. Với các hiệu trưởng này, loại bỏ một học sinh có sức học chưa bảo đảm chắc chắn tốt nghiệp không phải là biện pháp sư phạm.

Với hiệu trưởng có suy nghĩ như vậy, trường không mơ tưởng đến tỉ lệ tốt nghiệp 100% mà chỉ mong những em có sức học yếu không bị gạt khỏi môi trường của trường phổ thông - nơi em được học những hiểu biết cơ bản cùng bạn bè trang lứa để khi ra trường (có thể sau khi phải lưu ban) trở thành người lao động có học vấn phổ thông.

Tiếc thay còn rất hiếm hiệu trưởng có suy nghĩ theo kiểu này.

Có thể làm cho cách suy nghĩ mang tính sư phạm cao này trở nên phổ biến hơn không? Có thể nhưng phải có các điều kiện sau đây.

Một là thay đổi cách đánh giá thành tích trường học từ chỗ đánh giá theo tỉ lệ tốt nghiệp hay đậu vào đại học sang đánh giá theo mức tiến bộ. Ai cũng thấy rằng làm một học sinh khá thành giỏi thì đòi hỏi nhiều công sức nhưng làm một học sinh yếu thành trung bình thì đòi hỏi công sức và tài năng sư phạm hơn nhiều.

Hiệu số giữa điểm đầu ra với điểm đầu vào sẽ là một tiêu chí tốt để đánh giá. Hiệu số càng cao chứng tỏ sự nỗ lực của tập thể sư phạm càng lớn, càng hiệu quả, do vậy thành tích này phải được đánh giá cao hơn. Điểm đầu vào, điểm đầu ra có thể là điểm chuẩn khi thi tuyển, khi thi tốt nghiệp hay qua một kỳ thi kiểm định khách quan khác.

Không phải ngẫu nhiên mà Phần Lan, nước chiếm ngôi đầu trong các kỳ thi quốc tế nhằm kiểm định khách quan trình độ của học sinh, là nước mà học sinh bình thường (chứ không phải học sinh giỏi) là tâm điểm chú ý của nhà sư phạm.

Hai là ngành giáo dục (từ bộ đến giáo viên) và cả xã hội đừng tuyệt đối hóa cách đánh giá trình độ của học sinh qua các kỳ thi tuyển hay thi tốt nghiệp, dù là ba hay sáu môn hay nhiều hơn. Bởi các kỳ thi của chúng ta hiện nay và cả chương trình dạy học của trường phổ thông mới chỉ tập trung đánh giá hai kiểu trí thông minh mà thôi: thông minh toán - logic và thông minh ngôn ngữ.

Còn ít nhất năm loại trí thông minh khác còn bị xem thường, mà người được đánh giá cao về hai loại trí thông minh đầu tiên không bảo đảm là người thành công hơn người có được một vài loại trí thông minh mà nhà trường chúng ta bỏ qua chưa đánh giá.

TS HỒ THIỆU HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên