13/03/2010 07:45 GMT+7

Giật mình sau cháy

 NGUYỄN TRIỀU
 NGUYỄN TRIỀU

TT - Những vụ cháy dồn dập gần đây, mới nhất là vụ cháy chung cư 18 tầng làm hai người chết ở Hà Nội và vụ cháy nhà xưởng làm bảy người tử nạn ở Bình Dương, khiến những câu hỏi nhức nhối cứ bắn tóe ra như tàn lửa: Vì sao? Trách nhiệm của ai? Năng lực của cảnh sát PCCC đến đâu?...

Hà Nội: nguy cơ cháy chung cư rất lớnCháy chung cư 18 tầng ở Hà Nội

“Cháy do lửa!”. Các nhà báo vẫn thường trả lời nhau như thế mỗi khi có đồng nghiệp nào đó lên tiếng hỏi nguyên nhân các vụ cháy. Còn các báo cáo của các cơ quan chức năng thì thống kê đủ loại nguyên nhân: chập điện, rò khí gas, quên tắt bếp, đốt vàng mã hay thật đơn giản là “bất cẩn khi sử dụng nguồn nhiệt”. Nhưng cái gốc của những nguyên nhân trực tiếp đó luôn nằm ở ý thức PCCC của những người trong cuộc.

Nếu vũ trường Blue không sử dụng vật liệu dễ cháy là mút xốp để cách âm, thợ hàn không bất cẩn làm rơi xỉ hàn và một trung úy cảnh sát PCCC không thiếu trách nhiệm, bỏ qua công tác kiểm tra thì có lẽ mấy chục con người đã không chết tức tưởi bởi vụ cháy Trung tâm thương mại ITC kinh hoàng vào buổi chiều 29-10-2002. Nếu những người có trách nhiệm quản lý ở các cao ốc Diamond Plaza, Saigon Trade Center thực hiện tốt công tác kiểm tra, bảo trì thường xuyên, đúng mức thì đã không dẫn đến chập điện gây hỏa hoạn khiến hàng ngàn người hoảng loạn ở các vụ cháy vài năm trước.

Hỏa hoạn ai cũng sợ, nhưng không ít người vẫn còn tâm lý PCCC kiểu đối phó với cơ quan chức năng. Mới trước Tết Nguyên đán, chúng tôi có mặt ở chợ Tân Bình trước khi đoàn kiểm tra của Sở Cảnh sát PCCC đến và đã có dịp chứng kiến cảnh các nhân viên bảo vệ tới từng sạp “năn nỉ” tiểu thương thu gọn hàng hóa vì sắp có đoàn kiểm tra. Dù được chuẩn bị trước nhưng hàng loạt vi phạm về chất chứa hàng hóa, câu mắc điện, hệ thống báo cháy không hoạt động cũng được điểm mặt ở ngôi chợ có đến hàng ngàn sạp này. Và ngay chính đội trưởng đội bảo vệ, người được giao nhiệm vụ trông coi PCCC khi bị lập biên bản cũng định biến báo: “Anh thông cảm, ghi biên bản nhẹ thôi”.

Trong khi đó, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp hiện nay quá mỏng và thường xuyên bị động, hụt hơi khi xử lý các vụ cháy lớn. Đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh kéo theo đó là nguy cơ cháy càng lớn và nhu cầu chữa cháy, cứu hộ càng cao. Thế nhưng, thỉnh thoảng báo chí lại phát hiện những tình huống cười ra nước mắt như xe cứu hỏa chết máy, hết nước, trụ nước cứu hỏa cạn khô. Những tòa nhà 68-70 tầng cao hơn 260m đang mọc lên ở Hà Nội và TP.HCM vươn xa khỏi tầm với của xe thang cứu hỏa (hiện cao nhất chỉ 72m). Đồ sộ đấy nhưng nguy cơ cũng rình rập đấy!

Lẽ thường, khi xây dựng một công trình, chủ đầu tư luôn tính toán làm sao để giảm chi phí đến mức thấp nhất có thể và một trong những hệ quả dễ thấy là công trình ấy không đủ mức an toàn cần có. Điều này đòi hỏi các cơ quan gác cửa việc cấp phép, giám sát và hậu kiểm phải làm hết trách nhiệm để những người sử dụng, thụ hưởng không phải gánh chịu hậu quả đau lòng.

Chúng ta đã có ngày “Toàn dân PCCC” 4-10 hằng năm. Hệ thống pháp luật cũng không thiếu. Cái thiếu chăng là ý thức tuân thủ pháp luật và tự giác phòng cháy của những người trực tiếp thực thi pháp luật và của mỗi người dân. Đừng để sau mỗi vụ cháy mọi người mới giật mình.

 NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên