22/12/2009 05:51 GMT+7

Mang Trái đất về sau vườn nhà

TS NGUYỄN ĐỨC AN (giảng viên báo chí học ĐH Stirling, Vương quốc Anh)
TS NGUYỄN ĐỨC AN (giảng viên báo chí học ĐH Stirling, Vương quốc Anh)

TT - Mấy tuần rồi, những ai quan tâm đến biến đổi khí hậu có lẽ sẽ không thất vọng lắm nếu muốn tìm tin tức về hội nghị thượng đỉnh Copenhagen trên báo chí VN.

Việc Tuổi Trẻ cùng hơn 50 tờ báo lớn khác trên thế giới đăng tải tuyên ngôn chung hôm khai mạc hội nghị, rồi mở chiến dịch thông tin khá dày về biến đổi khí hậu là một tín hiệu mới về một thời kỳ mới trong mối quan hệ giữa báo chí và biến đổi khí hậu.

Cũng dịp này GS Phạm Huy Dũng và đồng sự ở Hà Nội công bố vài kết quả nghiên cứu khá lạc quan, cho thấy số tin bài biến đổi khí hậu trên báo chí ta tăng vọt, gấp 10 lần so với cách đây bốn năm và gấp ba lần so với năm ngoái. Góc độ địa phương cũng tăng cao, nghĩa là biến đổi khí hậu không còn được xem hoàn toàn là chuyện ở trời Tây, trời Mỹ như vài năm trước.

Nhưng tôi bắt đầu lo khi nhận ra rằng bóng dáng người dân VN chừng như vẫn còn mờ nhạt trong những gì mình đọc và xem. Tôi lo khi thấy từ trong nghiên cứu trên, chỉ dưới 3% nguồn tin trên báo đài là người dân, trong khi quan chức chính quyền chiếm gần một nửa và chuyên gia quốc tế chiếm hơn một phần tư.

Những nông dân miền Bắc và miền Tây đang ngày đêm ngay ngáy vì mưa hạn thất thường, vì nước mặn xâm nhập đồng lúa. Những cư dân Sài Gòn đang đối đầu với ngập lụt triền miên vì triều cường chưa từng thấy... Họ đang ở đâu trong những bản tin, bài viết về biến đổi khí hậu ở VN?

Dù mang theo nó bao nhiêu hệ lụy về tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hóa khủng khiếp, biến đổi khí hậu là một vấn đề khoa học trừu tượng, phức tạp, có tính quá trình và tương lai. Nếu không cụ thể hóa bản chất nó từ lăng kính của chính những người đang bị nạn, sẽ khó đạt hiệu quả cao trong việc truyền đạt đến người dân những gì họ cần biết và cần làm.

Khi bóng dáng và tiếng nói người dân mờ nhạt như trên, làm sao họ biết nồi cơm, manh áo, mái ấm mình sẽ còn tiếp nhận những hậu quả ngày càng khốc liệt từ biến đổi khí hậu? Làm sao để 22 triệu dân các vùng mẫn cảm với khí hậu nhất ở VN biết rằng nếu Trái đất cứ nóng lên như hiện nay, nước biển có thể dâng lên 1m vào cuối thế kỷ, không chỉ gây triều cường hay ngập mặn mà còn có thể nhấn chìm vùng đất nơi họ sinh ra, lớn lên và gắn sinh kế, cuộc đời mình vào?

Làm sao họ biết rằng mỗi khi tắt đèn, tắt quạt để tiết kiệm chi tiêu cũng là lúc họ đang đóng góp vào việc giảm tốc độ tăng nhiệt này?

Nói cách khác, mượn lời một đồng nghiệp bên Mỹ, biến đổi khí hậu là một câu chuyện có thể to bằng quả đất và có thể nhỏ như vườn nhà mỗi chúng ta. Và khi dân chưa hiểu bản chất “vườn nhà” này, mọi nỗ lực ứng phó và giảm thiểu tác hại ở cấp độ toàn cầu, quốc gia, cộng đồng sẽ khó thể đạt hiệu quả mong đợi.

Vai trò báo chí trong việc này là không thể phủ nhận. Chỉ riêng việc xây dựng chiến lược thông tin thân thiện với người dân là một trách nhiệm xã hội trước mắt mà nhà báo không thể thờ ơ, hờ hững được nữa. Và nếu chúng ta không làm được việc đó thì một ngày nào đó công chúng tương lai sẽ “hỏi tội” chúng ta vì sao biết mà làm ngơ, không chuẩn bị cho họ hành động. Và đó sẽ là một cái tội rất lớn.

Xin nhận thức và suy nghiệm lại để cùng nhau mang câu chuyện Trái đất có vẻ to tát, xa xăm về vườn nhà mỗi gia đình VN. Làm sớm và làm gấp.

TS NGUYỄN ĐỨC AN (giảng viên báo chí học ĐH Stirling, Vương quốc Anh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên